Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông” , ghi nhận những kết quả sau 5 năm, nêu ra những thách thức đang đặt ra và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Bài 1: Bước chuyển lớn trong nhận thức
Đối với giáo dục phổ thông, Nghị quyết 29 đã đề ra nhiệm vụ tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sau 5 năm thực hiện đổi mới, giáo dục phổ thông có nhiều dấu hiệu khả quan và những xu hướng vận động tốt nhưng cũng còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cần cấp bách giải quyết ở cả tầm vĩ mô và vi mô.
Chuyển biến tích cực của giáo dục phổ thông
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm (Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội về giáo dục phổ thông cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát, làm rõ, đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29. Trong đó, nhóm chú ý khảo sát sự thay đổi trong nhận thức, sự quan tâm và ủng hộ của xã hội với giáo dục và đào tạo, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Các đề tài nghiên cứu đã chú ý tới các yếu tố cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân để xem các yếu tố này đổi mới, phát triển theo xu hướng nào, chỗ nào chưa có nhiều chuyển biến, chỗ nào cần làm tốt hơn, những thách thức và vấn đề đặt ra của từng lĩnh vực...
Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận sự chuyển biến trong chính sách, được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chất lượng giáo dục phổ thông, ở một góc độ nào đó, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới.
Nhiều chính sách mới đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng đảm bảo chất lượng, chú ý đến đảm bảo quy trình; chuẩn hóa đầu ra, tạo môi trường dạy và học hiệu quả cho giáo viên, học sinh. Cụ thể là các chính sách về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, quy định chuẩn chức danh hiệu trưởng trường phổ thông, chuẩn giáo viên; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực; đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn để thực hiện phương pháp dạy học tích cực…
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai xây dựng theo hướng phát triển năng lực, tích hợp ở bậc Tiểu học, tự chọn phân hóa ở bậc Trung học phổ thông và tích lũy theo tín chỉ. Đầu tư về giáo dục được tăng cường, tạo môi trường dạy học thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh, tăng cường xã hội hóa trong giáo dục.
Theo công bố ngày 15/3/2018 của Ngân hàng Thế giới, có 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến bước phát triển ấn tượng giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam. Học sinh phổ thông Việt Nam nằm trong nhóm có thành tích học tập cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế đều đạt kết quả tốt.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trước khi thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến đại học đều chạy theo thành tích. Ở phổ thông, cấp tiểu học, học sinh khá giỏi nhiều hơn học sinh trung bình, học sinh học nhiều nhưng biết ít, đổ xô vào đại học, khả năng thích ứng kém… Nghị quyết 29 đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian dài. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo đã có sự chuyển biến lớn, đây là một thành tựu quan trọng. Bởi những người có trách nhiệm phải có nhận thức sâu sắc về triết lý giáo dục của nước mình mới đưa công cuộc đổi mới đi đến thành công, chuyển một cách căn bản từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung sang nâng cao năng lực cho người học.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định: Trong 5 năm qua, giáo dục phổ thông đã có nhiều thay đổi, công tác giảng dạy trong nhà trường không chỉ truyền thụ kiến thức mà bám sát thực tế hơn, năng lực của học sinh được phát triển hơn. Từ kiến thức được học, khi tốt nghiệp, học sinh sẽ thích nghi tốt với xã hội đầy biến động, có thể tự chủ, tự lập được. Nhiều mô hình trường học mới, trường học kết nối, trường học STEM được đưa vào nhà trường. Mỗi địa phương lựa chọn một mô hình cụ thể gắn liền với yêu cầu của địa phương, vùng miền. Ví dụ như vùng miền núi có “lớp học đồi chè” để học sinh miền sơn cước biết được kỹ thuật trồng cây chè, áp dụng kỹ thuật phụ giúp gia đình. Các em vùng biển có lớp học gắn với nuôi trồng thủy hải sản, học sinh hiểu được kỹ thuật phòng chống bệnh dịch để việc nuôi trồng thủy sản của gia đình tránh được rủi ro lớn.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Với tinh thần của Nghị quyết 29, trong thời gian qua, sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, mô hình trường học, đội ngũ giáo viên… đã đưa giáo dục phổ thông đi đúng hướng, rèn luyện tư duy, kỹ năng cho học sinh và phát triển được phẩm chất, năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là định hướng nghề nghiệp. Trong quá trình thực hiện đổi mới, quan điểm về lựa chọn nghề đã bước đầu thay đổi. Như Nghệ An được gọi là “đất học”, quan niệm của người dân bao lâu nay luôn coi việc học rất nặng nề, gắn với khoa cử. Nếu như trước đây, 90% học sinh Nghệ An tốt nghiệp phổ thông sẽ vào đại học, cao đẳng nhưng đến nay, tỷ lệ này là 60% - 40% (60% vào đại học và 40% đi học nghề). Các em lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, có việc làm và thu nhập ổn định.
Cần đồng bộ về thể chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giáo dục phổ thông hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo; phải làm nhiều nhiệm vụ hành chính, sự vụ ngoài chuyên môn. Khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận giáo viên cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Chương trình mới đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu, trong khi chương trình hiện hành đang còn chú trọng về nội dung kiến thức.
Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ về chính sách như chính sách về trường chuẩn nhưng chi phí cho cơ sở vật chất chưa theo kịp; chính sách về chuẩn giáo viên nhưng vấn đề đào tạo và bồi dưỡng chưa theo kịp.
Từ những bất cập còn tồn tại, nhóm nghiên cứu đã nêu một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý như: cần đồng bộ thể chế để tạo điều kiện tốt nhất cho học tập và giảng dạy; tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ và tăng cường xã hội hóa.
Nhà nước cần tính toán để điều chỉnh tiền lương cho giáo viên theo tiếp cận nhu cầu, vị trí việc làm. Đào tạo và bồi dưỡng cập nhật các kiến thức quản trị đáp ứng chuẩn, phù hợp với thực tiễn cho cán bộ quản lý. Đặc biệt, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần theo lộ trình và căn cứ vào điều kiện vùng miền.
Bà Đinh Thị Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nhận xét: Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, nhất là quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” còn chậm, chưa đạt được quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chưa quan tâm đến yếu tố đảm bảo chất lượng khi dồn dịch các trường; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học nhiều nơi còn thiếu hoặc bị xuống cấp… Những khó khăn và hạn chế đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm thực hiện hành động chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm khi thực hiện đổi mới, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Để không đơn độc và tạo được sự đồng thuận trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, ngành giáo dục trước hết phải tạo được niềm tin trong chính nội bộ ngành, cần có sự đồng thuận của giáo viên, người làm công tác quản lý và của học sinh, sinh viên. Khi những người trong ngành giáo dục đồng thuận và có quyết tâm thì kết quả mới đủ sức thuyết phục để giới thiệu ra bên ngoài.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang: Đổi mới giáo dục là một quá trình lâu dài và liên tục. Vấn đề đang gặp khó khăn là đổi mới tư duy trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ, chúng ta cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và kiên định với con đường đổi mới.
Bài 2: Kiểm tra, đánh giá đúng hướng