NSND Bạch Tuyết lần đầu chia sẻ về việc nhận tấm bằng tiến sĩ và ý định đi tu

Trong đêm nhạc Tình khúc vượt thời gian tháng 8 tối ngày 26/8 trên kênh VTV9, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ về việc định xuống tóc đi tu khi nhận bằng tiến sĩ và vô cùng nhẹ nhàng nhắc về cái chết “mình làm việc cực lực rồi cũng ra đi thôi”.

Khi tham gia chương trình ca nhạc Tình khúc vượt thời gian, NSND Bạch Tuyết cho hay: “Đây là một chương trình mà tôi rất thích vì chúng ta đang sống trong một thời đại rất ồn ào và mọi thứ đều trôi qua rất nhanh, chương trình này đã giúp chúng ta dừng lại để thưởng thức cuộc sống và hoài niệm lại những kỉ niệm đã qua mà chắc hẳn, khi nhìn lại chúng ta đều thấy đẹp. Từ những gì đã qua, chúng ta sẽ biết cách làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn ở hiện tại và tương lai”.

Trong đêm Tình khúc vượt thời gian tháng 8, NSND Bạch Tuyết đã trải lòng về mình. Ảnh: Bá Ngọc

Với chủ đề "Lời tình buồn", NSND Bạch Tuyết cũng chia sẻ: “Trước khi đến với một người nào đó hay bước vào một cuộc hôn nhân nào đó, chúng ta đều có những giây phút mà chỉ có một mình mình biết, một mình mình hay. Có những lúc chúng ta cảm thấy rất tiếc nuối về những khoảnh khắc cũ vì tưởng như là đã bắt gặp được rồi, nhưng cuối cùng lại đánh mất. Nó làm chúng ta cảm thấy đau lòng khi trải qua những giai đoạn như vậy”.


NSND Bạch Tuyết là một nghệ sĩ cải lương và hát tân nhạc cũng vô cùng mượt mà. Bên cạnh sự nghiệp nghệ thuật đình đám của mình, nghệ sĩ Bạch Tuyết còn nổi tiếng là một người hiếu học. Hồi còn đang nổi tiếng với đoàn Thống Nhất, NSND Bạch Tuyết đột ngột nghỉ nửa năm để ôn thi tú tài. Sau này, nghệ sĩ cũng nhiều lần đang hát thì nghỉ ngang như thế để đi học. Tấm bằng Tiến sĩ được NSND lấy từ 20 năm trước.

NSND Bạch Tuyết từng có ý định đi tu, nhưng còn nợ đời bà tiếp tục mang tiếng hát cũng như hiểu biết cống hiến cho đời. Ảnh: Bá Ngọc

Khi nhận được tấm bằng này, NSND Bạch Tuyết nhận được không ít những đàm tiếu, rằng hát cải lương mà còn học tiến sỹ làm gì. Bà chỉ nói: “Cải lương ra đời trong hoàn cảnh đất nưc không được tốt, e rằng sau này những quý báu của nghệ thuật cải lương sẽ không có ai giữ gìn, nghiên cứu vì thế tôi phải cố gắng đi học”.


Sau khi nhận tấm bằng Tiến sĩ, Bạch Tuyết đến ngỏ lời với thầy Thích Thanh Từ (Đà Lt) xin được xuống tóc đi tu vì thấy việc đời, việc nhà ổn rồi, hồng trần không còn vướng bận. Thầy Thích Thanh Từ từ chối và khuyên: “Chị tu thì uổng, hãy tiếp tục hoạt động viết về những gì có ích cho xã hội, hưng người dân đến những nghĩa cử tốt”.


Từ đó NSND Bạch Tuyết đã viết nên một trường ca cải lương về sư tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông nổi tiếng đến bây giờ. Kịch bản do thiền sư Thích Thanh Từ biên soạn, NSND Bạch Tuyết chuyển thể cải lương và Phượng Hoàng làm đạo diễn.

Đêm nhạc còn có nhiều ca sĩ trẻ góp mặt. Ảnh: Bá Ngọc

NSND Bạch Tuyết vô cùng nhẹ nhàng khi nhắc về cái chết: “Cha mẹ sinh mình ra không biết sống được bao lâu, mình giống như con chim đậu cành này, hót chỗ kia, vì thế mình ghé qua cuộc trần này, làm việc cực lực rồi thì cũng ra đi thôi”. Đối với Bạch Tuyết: “Mình đâu biết mình sống đến khi nào thì mình qua đời, vậy thì tại sao mình không chuẩn bị sớm cho cuộc ra đi của mình”.


Đến với Tình khúc vượt thời gian tháng 8, NSND Bạch Tuyết đã trình bày ca khúc Khóc thầm, một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương. Cũng giống như cổ nhạc, Bạch Tuyết khi hát tân nhạc rất ngọt ngào và đằm thắm, như rót mật vào lòng khán giả. Giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi, nhưng giọng ca ấy vẫn căng tràn sức sống như vậy.


Tình Khúc vượt thời gian với chủ đề “Lời tình buồn” là câu chuyện về những lời tình tâm tình da diết, những nỗi buồn trầm lặng và tịch mịch mà trong cuộc đời, dường như ai cũng phải ít nhất một lần đối mặt. Chương trình đã đưa khán giả đến với không gian âm nhạc trầm tĩnh, sâu lắng của các danh ca và các ca sĩ nổi tiếng.

Tham gia chương trình còn có danh ca Phương Dung, một "tượng đài Bolero". Ảnh: Bá Ngọc

Cũng trong đêm nhạc này, danh ca Phương Dung đã trình bày 2 ca khúc Buồn vào đêm - một sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn và Buồn trong kỉ niệm của nhạc sĩ Trúc Phương. Hai bài hát này đã từng được đón nhận rầm rộ vào năm 1963.


Còn danh ca Elvis Phương trình bày ca khúc Buồn ơi, chào mi một sáng tác của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Bên cạnh đó, “Lời tình buồn” còn chào đón giọng hát của Ngọc Ánh với ca khúc Tuổi đá buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Đức Tuấn với Chuyện tình buồn của nhạc sĩ Phạm Duy và Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên.


Ngoài ra, góp mặt trong Tình khúc vượt thời gian tháng 8 còn có Nguyễn Phi Hùng với ca khúc Buồn; Quách Thành Danh với Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương; Lâm Vũ sẽ hát Ngày buồn; Hồ Trung Dũng với Bài không tên số 7; Lều Phương Anh với ca khúc chủ đề Lời tình buồn; Tuấn Hiệp với Bài cuối cho người tình; Khang Việt với Ánh trắng tan; Khánh Loan với Ai buồn hơn ai và cuối cùng là ca khúc Đoạn buồn cho tôi do Ngọc Tùng thể hiện.


Hải Yên/Báo Tin Tức
‘Nữ hoàng nhạc quậy’ Phương Giao lắng đọng với những tình khúc vượt thời gian
‘Nữ hoàng nhạc quậy’ Phương Giao lắng đọng với những tình khúc vượt thời gian

Ca sĩ Phương Giao – con gái của “ông vua ba ngôi” - cố nghệ sĩ lừng danh Hùng Cường, sẽ xuất hiện trong đêm nhạc Tình khúc vượt thời gian tháng 6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN