Nếu Gregor Mendel được coi là cha đẻ của di truyền học cổ điển thì nhà sinh lý học và di truyền học nổi tiếng của Mỹ, tiến sĩ Thomas Hunt Morgan, được coi là cha đẻ của di truyền học hiện đại. Với những đóng góp to lớn trong việc tìm ra yếu tố di truyền, ông đã tạo ra một kỷ nguyên mới trong di truyền học, xây dựng thuyết di truyền nhiễm sắc thể và đề ra khái niệm về gen.
Tiến sĩ Thomas Hunt Morgan. |
Cách đây gần 70 năm, ngày 4/12/1945, cha đẻ của ngành di truyền học hiện đại, tiến sĩ Thomas Hunt Morgan đã qua đời, hưởng thọ 79 tuổi.
Thomas Hunt Morgan sinh ngày 25/9/1866 ở Lexington, bang Kentucky nước Mỹ trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ngay từ khi còn bé, Thomas Morgan đã thích thiên nhiên, sưu tầm trứng chim và xương hóa thạch.
Năm 1887, Morgan tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Đại học Kentucky và vào làm ở Phòng thí nghiệm vùng biển ở Annisquam. Ba năm sau, Morgan bảo vệ Luận án tiến sĩ về bào thai học của con nhện biển ở Đại học Johns Hopkins.
Năm 1891, khi mới 25 tuổi, Morgan đã trở thành Giáo sư ở Trường Đại học Tổng hợp bang Columbia ở Mỹ.
* Cha đẻ của di truyền học hiện đạiTrong thời gian đầu nghiên cứu di truyền ở Khoa Sinh vật Đại học Columbia, Morgan chuyên nghiên cứu về phôi sinh học thực nghiệm. Sau đó, ông chuyển dần sang nghiên cứu về các vấn đề di truyền.
Năm 1909, Morgan quyết định chọn ruồi giấm làm đối tượng nghiên cứu, vì ruồi giấm là loài dễ nuôi, sinh sản nhanh, dễ phân biệt đực cái. Và ông là người đầu tiên sử dụng ruồi giấm vào việc nghiên cứu di truyền.
Morgan đã chọn hai dòng ruồi giấm thuần chủng thân đen cánh cụt và thân xám cánh dài, tiếp đó là ruồi giấm mắt đỏ và ruồi dấm mắt trắng để cho lai nhau.
Thomas Morgan trong phòng nghiên cứu ruồi giấm. |
Cùng với các học trò là C. B. Briges, A. H. Sturtevant, H. J. Mũller, Morgan đã làm cho di truyền học đạt được những bước tiến lớn. Bằng các thực nghiệm trên hàng chục vạn con ruồi giấm, Morgan phát hiện ra chúng có tới bốn trăm đột biến và chia ra bốn nhóm di truyền riêng biệt, tương ứng với các gen nằm trên cùng nhiễm sắc thể.
Kết quả này đã làm sáng tỏ cơ chế tế bào của các định luật Mendel và cơ sở di truyền của sự đào thải tự nhiên. Nhờ vậy, Morgan lập được bản đồ phân bố gen trên các thể nhiễm sắc.
Năm 1910, Morgan công bố công trình "Nhân tố di truyền", xác nhận các ''nhân tố di truyền'' đó là có thật, nhìn được dưới kính hiển vi, dưới dạng những cấu trúc cụ thể gọi là gen, xếp hàng trên các đơn vị vật chất có số lượng xác định đối với mỗi sinh vật và gọi là nhiễm sắc thể.
Năm 1915, Morgan xuất bản cuốn "Cơ chế của di truyền học Mendenl" để chứng minh sự đúng đắn về căn bản của quy luật mà Mendel đã phát hiện vào nửa thế kỷ về trước trong tu viện ở Bruno. Morgan còn làm sáng tỏ cơ chế và quy luật các đột biến ngẫu nhiên và nhân tạo ở ruồi dấm, dưới tác động của các tác nhân ''tạo đột biến'', như nhiệt độ, phóng xạ và các hóa chất.
Năm 1926, Morgan lại cho xuất bản tác phẩm “Học thuyết về gen” để trình bày rõ và sâu hơn nữa về cơ sở vật chất (nhiễm sắc thể và gen) của tính di truyền.
Những phát minh của Morgan cho thấy, tạo hóa sử dụng cùng một cơ chế cho con người cũng như cho sinh vật cấp thấp.
* Thomas Hunt Morgan và những công trình khoa học kinh điển về di truyềnTrong suốt sự nghiệp xuất sắc của mình Thomas Morgan đã viết 22 cuốn sách và 370 bài báo khoa học. Ông đã để lại cho nhân loại những công trình khoa học là những sách kinh điển về di truyền như: Cơ sở vật chất của tính di truyền (The Physical Basis of Heredity, 1919); Di truyền của ruồi giấm (The Genetics of Drosophila, 1925); Lý thuyết về gen (The Theory of the Genes , 1926); Phôi học thực nghiệm (Experimental embryology, 1927); Cơ sở khoa học của tiến hóa (The Scienntific Basis of Evolution, 1932); Phôi học và di truyền học (Embryology and Genetics, 1933).
Viện Hoàng gia Karolinska đã đánh giá rất cao đóng góp của Morgan: “Những nghiên cứu về di truyền ở người đã sử dụng nhiều đến các khảo sát của Morgan. Không có chúng thì gen học cũng như học thuyết ưu sinh ở người hiện nay không thực hiện được”.
Các công trình nghiên cứu của Morgan đã đem lại cho ông nhiều vinh quang ngay lúc sinh thời như được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nga năm 1924 (lúc 58 tuổi), được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Mỹ (từ năm 1927 đến năm 1931), được mời làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô từ năm 1932. Đặc biệt, Morgan đã được trao tặng Giải thưởng Nobel về sinh lý học năm 1933, lúc ông 67 tuổi.
Vào ngày 4/12/1945, cha đẻ của ngành di truyền học hiện đại, tiến sĩ Thomas Hunt Morgan đã qua đời, hưởng thọ 79 tuổi.
Từ năm 1981, Hội Di truyền học Mỹ đã lập giải thưởng mang tên Thomas Hunt Morgan để trao tặng cho những người có đóng góp suốt đời vào lĩnh vực di truyền học.
TTTL/TTXVN