Cung điện Pha lê huyền ảo của người dân Anh

Được dựng lên với mục đích ban đầu là phục vụ cho Đại triển lãm thế giới năm 1851, Cung điện pha lê nhanh chóng trở thành biểu tượng kiến trúc, biểu tượng sức mạnh và quyền lực của nước Anh trong thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Tuy nhiên, cung điện này đã bị thiêu rụi trong vụ cháy lịch sử vào ngày này cách đây 78 năm, ngày 30/11/1936.

Bức ảnh chụp Cung điện pha lê năm 1920.


Vào nửa cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong trào lưu phát triển của phương Tây, chủ nghĩa Hiện đại nói chung có nguồn gốc từ thời kỳ Khai sáng đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều nhà xây dựng. Họ tin rằng kiến trúc hiện đại thể hiện tư duy mới trong sự phát triển bùng nổ của xã hội, là sự đoạn tuyệt mạnh mẽ đối với phong cách kiến trúc cổ điển trước đó.

Và công trình kiến trúc đầu tiên mang phong cách hiện đại là Cung điện Pha lê (Crystal Palace), do Joseph Paxton, người đứng đầu Hội những người làm vườn tại Chatsworth, London (Anh) thiết kế.

Được làm chủ yếu từ kính và sắt thép, đây là công trình mở đầu cho một vẻ đẹp mới của kiến trúc thời kỳ công nghiệp với vật liệu mới, kết cấu mới và không gian mới. Đây cũng là công trình mở đầu cho việc xây dựng theo phương pháp công nghiệp và là hình mẫu xây dựng thế hệ nhà triển lãm và nhà công nghiệp tiếp sau.

Cung điện pha lê ban đầu được dựng lên trong Công viên Hyde ở London, Anh để làm nhà cho Đại triển lãm thế giới năm 1851. Tòa nhà có tổng chiều dài 555m, rộng 122m, bao gồm một tháp ở phía Bắc và một tháp ở phía Nam.

Trên mỗi tháp, Paxton thiết kế hai bể nước khổng lồ, cấp nước cho các vòi phun và thác nước lớn bên trong. Khoảng 3.000 tấn gang, 700 tấn sắt rèn và 84.000 m2 kính đã được sử dụng. Chính phủ Anh cũng đã huy động 5.000 nhân công cho việc xây dựng công trình này.

Được bắt đầu xây dựng vào tháng 6/1850 và hoàn thành sau 10 tháng, công trình đã lập một kỷ lục mới trong thi công. Ngày 1/5/1851, sau khi được chính Nữ hoàng Victoria cắt băng khánh thành, cuộc đại Triển lãm thế giới được tổ chức tại đây đã thu hút hơn 6 triệu lượt khách tham quan.

Đại triển lãm năm 1851.


Ngoài lợi nhuận đáng kể, triển lãm còn giúp khai sinh ý tưởng biến nơi đây thành trung tâm giải trí quốc gia quy mô lớn, mở ra một kỷ nguyên mới của người tiêu dùng và khai sinh một loại tòa nhà mới dùng để bày bán bách hóa - cửa hàng bách hóa hiện đại.

Kết thúc triển lãm, Cung điện Pha lê được tháo dỡ và chuyển về một địa điểm ở Nam London vào năm 1852. Sự tháo dỡ Cung điện Pha lê diễn ra nhanh chóng và đáng chú ý cũng như lúc dựng lên.

Trong những năm sau đó, Cung điện pha lê đã trở thành điểm đến ưa thích, là nơi tổ chức nhiều chương trình ca nhạc, hòa nhạc, lễ hội lớn thu hút hàng nghìn người tham dự…

Năm 1888, đây là nơi đầu tiên tổ chức thu âm "sống" một buổi hòa nhạc công cộng tại Vương quốc Anh. Cung điện Pha Lê cũng là nơi tổ chức nhiều trận chung kết bóng đá trong khuôn khổ giải FA Cup những năm đầu tiên.

Dù không còn tồn tại nhưng với những kỳ tích của nó, Cung điện Pha lê đã kịp ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân nước Anh, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều dự án xây dựng trên khắp thế giới trong những năm sau đó.



Vận may của Cung điện Pha lê bắt đầu xuống dốc khi Ban quản lý không còn đủ kinh phí để bảo trì công trình này. Bắt đầu từ năm 1913, tòa nhà rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, tòa nhà được dùng làm cơ sở phương tiện huấn luyện hải quân. Sau khi chiến tranh kết thúc, Cung điện pha lê được mở cửa trở lại và trở thành Bảo tàng chiến tranh Hoàng gia đầu tiên ở thủ đô London.

Ngày 30/11/1936 đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của công trình nổi tiếng này. Trong hàng giờ, ngọn lửa lớn đã thiêu trụi tất cả những gì tiêu biểu cho sự sáng tạo vô giới hạn. Cung điện bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại hai tháp nước và một phần toà tháp phía Bắc.

Trước những thiệt hại nặng nề này, Thủ tướng Anh lúc đó là Winston Churchill đã phải thốt lên "Đây là sự kết thúc của một thời đại".

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, chính phủ Anh buộc phải phá hủy toàn bộ những gì còn sót lại của Cung điện Pha lê. Dù không còn tồn tại nhưng công trình này đã trở thành mô hình mẫu cho nhiều toà nhà triển lãm khác như: Cung Thủy Tinh New York (1853), Glaspalast ở Đức (1854) và Palacio de Cristal tại Porto - Bồ Đào Nha (1865).

Kiểu thiết kế của Cung Thủy Tinh cũng gợi cảm hứng cho nhiều dự án xây dựng sau này như Infomart ở Dallas-Texas, khu mua sắm Eaton Center ở Toronto, ga xe lửa Rewley Road của Oxford…



Thông tin tư liệu-TTXVN





Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen với phong trào cộng sản quốc tế
Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen với phong trào cộng sản quốc tế

Xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp tư sản nhưng Ph.Ăngghen đã dành tất cả con tim, khối óc và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN