Trong chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại, câu chuyện về những chiến sĩ đặc công trong trận đánh Căn cứ 53 (Trung đoàn 53 của ngụy) tại sân bay Hòa Bình, Buôn Mê Thuột là một khúc ca “bi tráng” tô thắm cho màu cờ Tổ quốc. Mãi đến tận giờ, Đại úy Nguyễn Quang Vinh, một trong những chiến sĩ đặc công nhận lệnh chiến đấu và là một trong những chiến sĩ đặc công bị bắt sống trong trận đánh hôm ấy vẫn nhớ như in những ký ức.
Quyết tửChiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 - 24/3/1975) là chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược, đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên, tạo ra thời cơ chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã thảo luận và xác định: Tây Nguyên là chiến trường chính, các chiến trường khác phối hợp. Với chủ trương ấy, ta chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận mở màn đánh đòn hiểm nhằm vào chỗ sơ hở, điểm yếu của địch. Theo tư liệu “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của cố giáo sư -Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên năm 1975; trước mắt việc đánh chiếm sân bay Hòa Bình do Trung đoàn đặc công 198 đảm nhiệm. Đúng theo hiệp đồng, 2 giờ 10 phút ngày 10/3, Trung đoàn 198 đã nổ súng và nhanh chóng đánh chiếm được sân bay Hòa Bình. Riêng đội đặc công đánh vào Căn cứ 53 gặp nhiều trở ngại. Sau khi đột nhập vào căn cứ, các mũi tiến công đã nổ súng đánh được một số mục tiêu, nhưng sau đó lại bị địch đánh bật ra. Quân địch phát hiện được cửa mở, đã xông ra bịt lại. Một số rút được ra ngoài, nhưng một số khác đã bị địch bắt và chúng đã đưa vào căn cứ tra tấn, đánh đập rất dã man.
Căn cứ Trung đoàn 53 ngụy nằm về phía đông nam sân bay Hòa Bình, cách trung tâm thị xã khoảng 10 km. So với các căn cứ khác, căn cứ 53 được bố trí phòng ngự vững chắc hơn cả. Quanh căn cứ có 5 - 7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất hướng mũi súng ra ngoài. Hai hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng bằng bê tông xây chìm xuống đất.
Ông Nguyễn Quang Vinh đang điều trị trong bệnh viện Chợ Rẫy. |
Đại úy Nguyễn Quang Vinh là một trong những chiến sĩ đặc công nhận lệnh chiến đấu và là một trong những chiến sĩ đặc công bị địch bắt sống trong trận đánh hôm ấy. Ông hồi tưởng: “Tốp chúng tôi gồm 10 chiến sĩ. Do vướng vào dây mìn đã khiến 3 chiến sĩ hi sinh tại chỗ. 7 người còn lại chiến đấu đến khi hết đạn và bị địch bắt”.
Ông kể, lúc ông bị bắt với vết thương do đạn găm vào lưng, bọn địch lôi ông và 6 anh em còn lại vào lán, tra tấn rất tàn bạo. “Chúng đánh tôi gần như ngất xỉu. Nhưng trong lúc đó, tôi còn nghe rất rõ tiếng quát tháo, truy hỏi ai là chỉ huy trong nhóm chúng tôi. Thấy chúng tôi không khai, bọn chúng điên cuồng lôi đồng chí Ải ra và lấy ống nứa đã vót nhọn hai đầu, xoáy vào ngực anh cho đến khi vỡ lồng ngực và cắt tim anh, anh hi sinh ngay lúc đó. Đồng chí Cần bị bọn chúng dùng cây nứa đâm thủng bụng, móc ruột ra ngoài, đồng chí Nghị bị cắt hạ bộ và cả hai anh đều hi sinh. Nhìn cảnh đồng đội bị sát hại, chúng tôi càng căm phẫn. Bọn chúng tiếp tục móc đôi mắt của đồng chí Hùng, đồng chí Tài bị cắt hai tai, riêng tôi bị chúng đâm lưỡi lê vào khuỷu tay phải, cắt 2 đầu ngón tay”, ông ngậm ngùi kể lại.
Người lính đặc công Nguyễn Quang Vinh cho chúng tôi xem những vết tích tra tấn vẫn còn nằm lại trên thân thể của ông. Ông kể thêm: “Là người lính đặc công, chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc, đeo vài quả lựu đạn, dao găm, khẩu súng để bí mật vào trận tuyến của địch. Do vậy, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi đã được anh em trong đơn vị làm “Lễ truy điệu sống” rồi. Lúc ấy, tôi nghĩ mình chắc chắn sẽ hi sinh. Bọn chúng đem tôi, anh Hùng và anh Tài chôn sống, đất ép lên lồng ngực khiến tôi không thở được. Nhưng may mắn, ít lâu sau, đồng đội mở đợt tấn công và giải cứu chúng tôi. Sau thời gian đó, tôi tiếp tục bám trụ với đơn vị chiến đấu dọc đường 14 trong chiến dịch Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Thắp sáng mãi truyền thống anh hùng
Năm 1976, trở về với cuộc sống thời bình, người lính đặc công ngày nào tiếp tục việc học dang dở tại Đại học Dược. Năm 1981, ông ra trường và về công tác tại xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 26. Đến năm 2000, ông có dịp đến thăm di tích lịch sử cấp quốc gia - nơi biệt động thành đào hầm cất giấu hơn 2 tấn vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh táo bạo vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tại căn nhà nhỏ số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). “Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến căn hầm và nghe câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ biệt động. Lúc ấy, tôi gặp đồng chí Trần Văn Lai, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, người đã dày công đào căn hầm bí mật này. Đó dường như là một duyên phận, anh ấy nhắn nhủ tôi khi anh mất thì giúp anh trông coi giúp nơi đây”, ông chia sẻ.
Năm 2002, ông Trần Văn Lai mất, kể từ đó người lính đặc công Nguyễn Quang Vinh gắn bó với di tích lịch sử này. Ông cho biết, hơn 10 năm qua, hàng chục ngàn lượt khách đến đây thăm quan và lắng nghe về sự hi sinh anh dũng của những người lính biệt động năm xưa. Một câu chuyện được kể từ chính một người lính đã từng “vào sinh ra tử”, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì và Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba.
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ nơi có căn hầm bí mật không còn được chính tay người lính đặc công chăm sóc, thắp nén nhang trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người chiến sĩ cộng sản. Bởi lúc chúng tôi gặp ông, ông đang lâm trọng bệnh và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông tâm sự với chúng tôi, điều hạnh phúc nhất của ông là nơi căn nhà đầy ắp trang sử hào hùng chói lọi ấy, đã được ông mở cửa đón nhiều thế hệ trẻ, quần chúng ưu tú ở thành phố mang tên Bác đến để làm Lễ tuyên thệ kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đồng chí Đảng viên trẻ đó cũng từng nghe ông kể về những người chiến sĩ cộng sản kiên cường ngã xuống cho độc lập, tự do. “Ngay lúc này đây, tôi chỉ có một khắc khoải là làm sao tìm ra được tất cả hài cốt của những đồng đội đã kiên cường hi sinh trong trận tra tấn tàn khốc ở Căn cứ 53 và tôi được tiếp tục kể cho thế hệ ngày hôm nay về những chiến sĩ biệt động oai hùng nơi căn hầm bí mật giữa lòng Thành phố”, ông nói.
Bài và ảnh: Anh Đức