Jean de La Fontaine là nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp và là một trong những nhà thơ có tác phẩm được đọc nhiều nhất thế kỷ XVII. Ông nổi tiếng với những tập thơ ngụ ngôn hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất uyên bác với nhiều hàm ý sâu xa như: “Thỏ và rùa”, “Quạ và cáo”, “Con cáo và chùm nho”…
Đối với các em Jean de La Fontaine sinh ngày 8/7/1621 tại Château - Thierry, Champagne, Pháp. |
nhỏ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, cái tên La Fontaine không có gì xa lạ. Ông nổi tiếng với những tập thơ ngụ ngôn thú vị, hấp dẫn, mang giá trị giáo dục sâu sắc. Độc giả đọc thơ ngụ ngôn của ông không chỉ một lần mà nhiều lần, càng đọc thì càng thấy thấm thía những giá trị châm biếm trong mỗi câu chuyện, để từ đó có thể liên hệ và rút ra được những bài học ứng xử phù hợp cho mình. Chính bởi điều này mà La Fontaine luôn được người đời kính trọng.
Mẹ mất sớm, La Fontaine chịu ảnh hưởng giáo dục đầy tự do và sâu rộng của bố. Từ bé, ông đã sống giữa thiên nhiên, yêu cảnh rừng núi và thú rừng hoang dã. Chính cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, gần gũi với người dân khiến cho thơ văn của ông sau này giàu tính dân gian, giàu chất thơ của cuộc sống và thật sự tinh tế, sinh động.
La Fontaine thực sự bước vào văn đàn bằng tập truyện “Xử bắn L'Arioste và Joconde”. Tác phẩm này đã nhanh chóng đưa tên tuổi ông trở nên nổi tiếng.
La Fontaine sáng tác nhiều thể loại khác nhau như: Truyện, thơ, tiểu thuyết, kịch…, tuy nhiên thơ ngụ ngôn là thể loại mang đến cho ông nhiều thành công hơn cả. Thơ ngụ ngôn của La Fontaine tiêu biểu cho bút pháp của ông: nhẹ nhàng, linh hoạt, uyên bác lúc hài hước, dí dỏm, có khi mơ mộng, phóng túng. Ngụ ngôn của ông kết hợp hết sức nhuần nhuyễn các thể thơ khác nhau, từ thể thơ 12 âm tiết đến 7, 8, 10 âm tiết, đôi khi có cả những câu thơ rất ngắn 2 hay 3 âm tiết, diễn tả rất linh hoạt các tình huống khác nhau của cuộc sống.
Thơ ngụ ngôn mang tính chất dân tộc sâu sắc của La Fontaine là biểu tượng của nền văn hóa Pháp. Rất nhiều bài nổi tiếng được truyền tụng từ đời này qua đời khác và trở thành điển hình cho các tính cách và những tình huống khác nhau của cuộc sống: “Ve và kiến”, “Quạ và cáo”, “Chó sói và cừu non”, “Thần chết và lão tiều phu”, “Con cáo và chùm nho”, “Gà trống và cáo”, “Ông già và các con”, “Gà mái đẻ trứng vàng”, “Thỏ và rùa”, “Chó thả mồi bắt bóng”, “Đám ma sư tử”, “Hội đồng chuột”...
La Fontaine kế thừa truyền thống sáng tác của các nhà ngụ ngôn trước ông như Ésope, Phèdre, ngạn ngữ của người Hindu hay truyện phương Đông và sáng tạo nên nhiều hình tượng mới có tính chất thời đại. Ông dùng hình ảnh loài vật giỏi như một nhà thiên nhiên học. Qua hình ảnh loài vật, ông đã biến thơ ngụ ngôn của mình thành những “vở hài kịch có cả trăm hồi khác nhau” mô tả mọi cung bậc tình cảm, đam mê, hoàn cảnh và ngành nghề của con người.
Mỗi bài ngụ ngôn của ông gồm hai phần: phần chính giống như một màn kịch nhỏ có thắt nút, cởi nút và phần rút ra bài học thường chỉ là một vài câu ngắn gọn. Dưới ngòi bút của ông, các con vật như sư tử, hổ, báo, cáo, gà, mèo, chuột... được nhân cách hóa, cũng biết yêu, ghét, thiện hoặc ác.
Bức họa trong câu truyện "Le Gascon Puni" của La Fontaine. |
Xã hội loài vật trong Ngụ ngôn tượng trưng cho xã hội Pháp thời đại La Fontaine sống với đủ mọi cung bậc, tầng lớp với những mâu thuẫn bộc lộ bản chất của xã hội đó; từ tầng lớp người thấp cổ bé họng đến những kẻ quyền cao chức trọng và cao nữa là đức Vua - Sư tử.
Ông ca ngợi trí thông minh, lòng nhân hậu của người lao động, phê phán thói kiêu căng của bọn quý tộc, thói đạo đức giả của giới tu sĩ thái độ nịnh trên nạt dưới của bọn quan lại, tính hiếu danh, xu thời của tầng lớp tư sản. Hình ảnh Vua - Sư tử trong ngụ ngôn của ông tượng trưng cho sự tác oai, tác quái của giai cấp thống trị. Trong thơ La Fontaine, ngay cả những vật vô tri như cánh rừng, dòng suối cũng có tiếng nói và tâm tình như con người khiến thơ ông ngoài tính chất phê phán, chiến đấu còn mang tính trữ tình sâu sắc.
Chẳng hạn, qua câu chuyện “Bầy thú mắc bệnh dịch”, La Fontaine đã nói lên tấn bi kịch luôn luôn diễn ra trong một xã hội mà kẻ nghèo hèn lúc nào cũng bị chèn ép bởi đám người quyền quý gian manh, sẵn sàng dựng chuyện từ không thành có, đưa kẻ thật thà mộc mạc vào chốn lao đao đau khổ nhằm mục đích được hưởng lấy cảnh giàu sang quyền quý...
Trong câu chuyện “Đám ma sư tử”, La Fontaine muốn khuyên con người nên thận trọng đề phòng kẻ khác và nên có ý thức rõ ràng về khả năng, tầm vóc của chính mình. Hay qua truyện “Chó thả mồi bắt bóng”, chúng ta thấy được thói so bì ganh tị chẳng những không đem lại kết quả gì mà còn làm hại bản thân; trong khi cuộc đọ sức của “Sư tử và Muỗi” giúp chúng ta hiểu được trong cuộc sống không thể chắc chắn ai mạnh hơn ai, nên chớ vội tự phụ và kiêu căng…
Năm 1694, La Fontaine cho ấn hành tập thơ ngụ ngôn cuối cùng và qua đời vào ngày 13/4/1695. Ông đã vinh dự được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Ngày nay, truyện ngụ ngôn của La Fontaine vẫn thường được dùng để trích dẫn trong giao tiếp hàng ngày của người Pháp, giống như Shakespeare đối với người Anh. La Fontaine xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của nước Pháp và của cả nhân loại.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN