Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của “Anh bộ đội cụ Hồ”, với đầy đủ hình tượng cao đẹp, tầm vóc và ý nghĩa sâu xa của danh hiệu cao quý đó. Ông là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Cách đây 47 năm, ngày 6/7/1967, đúng vào ngày dự định trở lại miền Nam công tác, ông đột ngột ra đi.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niềm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm giác ngộ cách mạng, Nguyễn Chí Thanh đã hăng hái hoạt động cách mạng từ khi tuổi còn nhỏ. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên.
Những lần bị giặc lùng bắt, giam từ trong nhà tù khắc nghiệt, vượt lên bệnh tật, đói khát, bất chấp những đòn tra tấn dã man, ông vẫn cùng những người cộng sản trong tù siết chặt đội ngũ, sáng tạo ra nhiều phương pháp đấu tranh, đẩy kẻ thù vào thế lúng túng, bị động.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) tham gia Chủ tịch Đoàn trong buổi lễ phong quân hàm cho các cán bộ cao cấp trong quân đội năm 1958. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Dải đất miền Trung sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã bị địch đánh chiếm, trở thành vùng sau lưng địch. Trong bước hiểm nghèo đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc đó là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và phụ trách Phân khu Bình - Trị - Thiên đã sát cánh với quân dân Bình - Trị - Thiên, vượt khó khăn nguy hiểm, giúp Đảng bộ các tỉnh nắm vững đường lối kháng chiến của Đảng, tìm ra con đường chống giặc trên đất quê hương.
Bằng những kinh nghiệm của mình, trong Bản tổng kết công tác chính trị trong kháng chiến chống Pháp do ông chủ trì biên soạn đã nêu ra nhiều bài học có giá trị, là cơ sở cho việc phát triển lý luận và hoạt động thực tiễn của công tác chính trị trong quân đội. Sau này, có nhiều vấn đề mới đặt ra, nhưng những nguyên tắc cơ bản trong bản tổng kết vẫn giữ nguyên giá trị.
Năm 1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng đã điều động ông vào quân đội và giao cho nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng quân ủy.
Mang hết mọi tâm lực, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố sự lãnh đạo của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi ngày càng to lớn và cuối cùng đã đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng ra đồng cấy với bà con xã viên Hợp tác xã Chiến thắng, tỉnh Quảng Bình, trong chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất vào tháng 1/1962. Ảnh: Hữu Thoan – TTXVN |
Trong những năm đầu 1960, trực tiếp chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ, quân dân ta đã thực hiện đúng tư tưởng chiến lược sử dụng nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Bộ Chỉ huy Miền nêu ra, đó là các khẩu hiệu : “Nắm thắt lưng địch mà đánh” “tìm Mỹ mà đánh”, “tìm ngụy mà diệt”, thi đua phấn đấu trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ’’ “dũng sĩ diệt xe tăng”. Bao trùm lên trên là tư tưởng chỉ đạo “ở gần và đánh gần”.
Quá trình chỉ đạo cuộc chiến tranh anh hùng và ác liệt của quân dân miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cống hiến cho Đảng, quân đội và nhân dân ta những công lao cực kỳ to lớn, mang nhiều ý nghĩa chính trị trọng đại sâu sắc.
Tư tưởng “ở gần đánh gần” của Đại tướng nêu ra làm phương châm hành động đã giúp bộ đội ta chống được ý đồ “phân tuyến” của Mỹ - ngụy, giúp quân ta hạn chế đến mức tối đa (có lúc vô hiệu hóa được hỏa lực của phi pháo địch).
Sự phát triển và thành công của mặt trận Tây Nguyên cũng như việc xây dựng thắng lợi tuyến đường vận tải chiến lược bằng cơ giới là một minh chứng đúng đắn, sắc sảo, tầm nhìn xa trông rộng của tư duy chiến lược quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Những năm từ 1965 đến 1967, với một tầm nhìn chiến lược và một phương pháp tư duy khoa học, chính xác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đánh giá kịp thời, chính xác về địch, góp phần quan trọng để Bộ Chính trị và Bác Hồ hạ quyết tâm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới, chuẩn bị cho việc tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Khi miền Bắc thực hiện phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước vừa có tác động đến đời sống của hàng chục triệu người vừa đóng vai trò quyết định để hoàn thành sứ mệnh hậu phương lớn của chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao trọng trách là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Ông đã đi sâu đi sát nhiều cơ sở, lăn lội với phong trào địa phương, đúc rút tổng kết kinh nghiệm xây dựng phong trào hợp tác xã và phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong, còn gọi là phong trào Gió Đại phong. Khởi điểm từ phong trào này, mặt trận nông nghiệp sôi động hẳn lên và thu được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực củng cố vững chắc hậu phương lớn miền Bắc.
Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, đột ngột chuyển sang chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao quả là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trao tặng bản mẫu tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" (1914-2014) cho gia đình Đại tướng. Ảnh: Quốc Việt-TTXVN |
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm giữ những vị trí quan trọng như: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II và III), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy (1950-1960), Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam (1964-1967)…
Dù ở cương vị công tác nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng luôn trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân; là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động chính trị-quân sự lỗi lạc của Đảng ta; người chỉ huy mưu lược, dũng cảm, kiên quyết của lực lượng vũ trang nhân dân; một cán bộ tài đức vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đại tướng cũng kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện lý luận gắn liền với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí.
Thời gian đã trôi đi, cách mạng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, nhưng những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước vẫn mãi mãi in đậm trong lịch sử.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN