Harold Thomas Martin. Ảnh: NBC News |
Tòa cáo buộc đối tượng Harold Thomas Martin, 52 tuổi, đã lợi dụng công việc trong các dự án tối mật, truy cập hệ thống máy tính các cơ quan chính phủ để thu thập khoảng 50 terabyte (đơn vị đo dung lượng bộ nhớ) dữ liệu và tài liệu mật trong suốt 20 năm làm việc cho NSA.
Các dữ liệu Martin đánh cắp bao gồm các tài liệu ghi lại cách thức NSA xâm nhập vào các máy tính nước ngoài và các biện pháp bảo vệ hệ thống máy tính của Mỹ; thông tin tình báo về các hoạt động chống khủng bố và tấn công phần tử cực đoan; thông tin về các nguồn tin tình báo; báo cáo về năng lực, điểm yếu của các chiến dịch tấn công mạng của Mỹ. Đây là các dữ liệu lấy từ NSA, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Chỉ huy mạng của quân đội Mỹ.
Quyền Trợ lý Bộ Trưởng Tư pháp Mỹ Mary McCord nêu rõ Martin đã "vi phạm niềm tin và sự ủy thác của chính phủ" và bị cáo buộc 20 tội danh liên quan tới "sở hữu có chủ ý" thông tin quốc phòng, vi phạm những cam kết ký trong hợp đồng. Tuy nhiên, khác với vụ Snowden, Martin không bị buộc tội hoạt động gián điệp do chưa từng tiết lộ các thông tin này cho bên thứ 3.
Martin từng phục vụ trong Hải quân Mỹ và đã làm việc cho NSA thông qua nhiều nhà thầu khác nhau, trong đó có nhà thầu Booz Allen Hamilton, công ty cũng đã từng thuê
Edward Snowden làm việc cho NSA.
Năm 2013, Snowden, một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã sao chép và làm rò rỉ nhiều thông tin mật liên quan tới các chương trình do thám toàn cầu của cơ quan này. Chính quyền Mỹ đã buộc tội và ra lệnh bắt giữ Snowden, song ông này đã sang Moskva xin tị nạn. Hiện Snowden đang được hưởng quy chế tạm trú tại Nga. Theo quy định của luật pháp Mỹ hiện hành, nếu bị đưa ra xét xử, đối tượng này có thể phải đối mặt với bản án 30 năm tù giam.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với nhiều nước đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi nhiều nguyên thủ quốc gia. Sau vụ việc này, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết minh bạch hóa hoạt động của NSA và Quốc hội Mỹ đã sửa đổi các đạo luật liên quan việc theo dõi các cá nhân.