Trùm phát xít Hitler (trái) xuất hiện trên đường Thierschstrasse năm 1930. |
Thông tin này đã được đăng trên tạp chí Der Spiegel vào ngày 8/4. Theo đó, trong bài viết trên tạp chí theo quý VfZ, nhà sử học Paul Hoser cho biết từ năm 1920 tới 1929, Hitler từng sống tại số 41 đường Thierschstrasse, quận Lehel, Munich có chủ nhà là người Do Thái. Trong quãng thời gian này, Hitler phải dành một năm bóc lịch trong nhà tù Landsberg do âm mưu đảo chính bất thành tại Bavaria (Đức).
Hãng thông tấn AP dẫn lời nhà sử học Hoser cho biết căn nhà trên đã được thương gia người Do Thái Hugo Erlanger mua vào năm 1921. Ông Hoser nhận định rằng Hitler đã đối xử với người chủ nhà bằng thái độ nhã nhặn và lịch sự mặc dù luôn giữ tư tưởng bài Do Thái.
Sử học gia Hoser cũng tiết lộ chính vị chủ nhà Erlanger từng chia sẻ với người viết hồi ký năm 1934 của Hiler rằng: “Tôi thường gặp Hitler ở cầu thang hoặc cửa vào, anh ta thường viết điều gì đó trong cuốn sổ tay. Hitler khá thân thiện”. “Hitler chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy rằng anh ta coi tôi khác với mọi người”, vị chủ nhà người Do Thái cho biết thêm.
Erlanger từng là một cựu binh và ông mở cửa hiệu thuốc tại tầng một của căn nhà. Chính tại căn nhà số 41 đường Thierschstrasse này, Hitler đã lên kế hoạch lật đổ Cộng hòa Weimar (chính phủ Đức trong khoảng thời gian từ 1918-1933) năm 1923.
Sử gia Hoser cho biết căn phòng Hitler thuê đã trở thành “ổ phát xít”, một trong những khách đến thăm địa điểm này thường xuyên nhất là Philipp Bouhler, kẻ vào năm 1939 được trùm phát xít chỉ định đảm nhận chương trình giết hại những người bệnh tật và tật nguyền. Bên cạnh đó, Wilhelm Frick, Bộ trưởng Nội vụ của Hitler, cũng là một vị khách khác thường lui tới.
Năm 1934, Erlanger đã mất ngôi nhà bởi phát xít đã càn quét, tước bỏ mọi tài sản của người Do Thái. Trong khi đó, Hitler lại che đậy về thông tin thực tế rằng hắn ta từng sống chung trong một ngôi nhà với người Do Thái.
Erlanger bị giam trong trại tập trung Dachau năm 1939 và sau đó buộc phải lao động khổ sai ở Bavaria. Nhờ có vợ không phải là người Do Thái, Erlanger đã bảo toàn tính mạng sau cuộc tàn sát của phát xít. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Erlanger đã lấy lại được căn nhà.
Một trường hợp hiếm hoi khác được biết đến mà Hitler từng bảy tỏ sự trân trọng với người Do Thái là vị bác sĩ đã điều trị căn bệnh ung thư cho mẹ của hắn ta. Trùm phát xít thậm chí còn đề nghị vị bác sĩ Do Thái này trở thành “người ayran thượng đẳng” (chủng tộc người do phát xít tự tôn vinh) vào năm 1938.
Nhà sử học Hoser cho rằng sự thù ghét người Do Thái của Hitler không nhằm vào một cá nhân thực sự mà là sự tưởng tượng méo mó, hình ảnh hão huyền về người Do Thái.