Song song với cuộc tiến công trên bộ thắng như chẻ tre, cuối tháng 3/1975, Quân ủy TƯ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất đánh chiếm quần đảo Trường Sa sớm, để tránh các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Ngày 4/4/1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng".
Đảo Trường Sa Lớn hôm nay. |
Sau khi nhận lệnh từ Bộ Tổng tư lệnh, với phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa.
Chớp thời cơ
Ngày 11/4, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng ngày 14/4/1975, đội 1 đặc công hải quân, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Quế (đội trưởng đội 1, Đoàn 126) chia làm 3 mũi, bí mật áp sát đảo. 3 giờ 55 phút, các mũi tiếp cận xong và áp sát mục tiêu. Đúng 4 giờ sáng ngày 14/4/1975 ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng. 4 giờ 20 phút, thượng sỹ Lê Xuân Phát đã hạ cờ ba que xuống, nhanh chóng kéo cờ giải phóng tung bay trên đảo, báo hiệu ta làm chủ hoàn toàn trận đánh. Kết quả ta bắt sống tên thiếu úy chỉ huy cùng 38 tên lính khác, thu toàn bộ vũ khí và quân trang. Đảo Song Tử Tây được giải phóng làm quân địch trên quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải các đảo còn lại thuận lợi.
Ngày 29/3/1975, đội đặc công 1 đoàn 126 được tăng cường 3 tàu vận tải không số của đoàn 125, với 1 số vũ khí trang bị do đồng chí Mai Năng (Lữ đoàn trưởng đặc công nước 126) trực tiếp chỉ huy. Sau khi ta giải phóng Song Tử Tây ngày 14/4, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa, địch hoang mang lo sợ. Chớp thời cơ đó, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, ta sử dụng 2 tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi đến cách Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng được chia làm 3 mũi, do thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy đổ bộ lên đảo. 1 giờ 30 phút ta đổ bộ xong, bắt đầu trinh sát đảo. 2 giờ 30 phút, ta nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt rồi hốt hoảng bỏ chạy, đầu hàng. 3 giờ sáng ngày 25/4 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang.
Sau chiến thắng của quân Giải phóng tại Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Nam Yết mặc dù là trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa, nhưng chúng vẫn không thể kháng cự được. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân Giải phóng, chỉ huy quân địch buộc phải rút chạy. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 27/5/1975, ta hoàn toàn làm chủ Nam Yết.
Tại đảo Sinh Tồn, ngày 29/3, đội đặc công 1 của tàu 126 được trang bị 3 tàu vận tải của lữ đoàn 125 và một số vũ khí trang bị do đồng chí Mai Năng (Lữ đoàn trưởng đặc công nước 126) chỉ huy, được giao nhiệm vụ trực tiếp giải phóng đảo. Sau khi nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng ngày 27/4, nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Đúng 10 giờ 20 phút ngày 28/4/1975, ta làm chủ đảo hoàn toàn. Và đến 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ trương đúng, kịp thời
Do ý thức đầy đủ rằng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam, một địa bàn có ý nghĩa chiến lược về quân sự, chính trị và kinh tế, nên ngay từ đầu năm 1975, Quân chủng Hải quân cũng đã chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa phải tích cực chuẩn bị các phương án và chuẩn bị tác chiến trên hướng biển, để khi thời cơ đến nhanh chóng hành động, giải phóng các đảo khi có lệnh và bảo đảm chắc thắng. Đồng thời phải bám sát tình hình, nếu phát hiện đối phương có biểu hiện hoang mang rối loạn, phải kiên quyết hành động ngay, không để chậm.
Theo PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đây là một trong những mũi tiến công thành công trong chiến dịch. Với một lực lượng ít, quân đội ta khắc phục mọi khó khăn: Tàu nhỏ, sóng lớn, phương hướng không xác định được cụ thể, chưa hiểu rõ kẻ thù phòng thủ như thế nào, lại đi ra ngoài biển trên 500 km… mà Hải quân nhân dân Việt Nam khi đó chấp hành triệt để lệnh cấp trên, ra đánh chiếm các đảo, đá mà quân đội Sài Gòn chiếm giữ, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.
PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc Đảng ta chủ trương giành lại quần đảo Trường Sa từ sớm là một quyết định đúng đắn và rất kịp thời. Bởi thực tế khi đó, lực lượng hải quân của ta không mạnh, trang thiết bị không hiện đại, việc đi xa chiến đấu không hề đơn giản. Rất may khi đó, theo đà thắng lợi vang dội của quân ta trên đất liền, quân đội Sài Gòn bị hoang mang, hoảng loạn, dẫn đến bị mất sức chiến đấu, chính vì vậy mà ta đã nhanh chóng chiếm giữ được các đảo do ngụy quyền Sài Gòn chiếm giữ và một số đá (là những rạn san hô lớn nổi lên), ngăn chặn kịp thời sự chiếm đóng, can thiệp của các lực lượng nước ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đồng thời tránh được những sự phức tạp sau này.
Thực tế cho thấy, việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1/1974 đã cho thấy ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, thêm vào đó, thời điểm đất nước đang lộn xộn, quân đội nước ngoài rất dễ nhân cơ hội này để mưu đồ chiếm đóng các đảo. Rất may là Đảng ta sớm có chính sách kịp thời, nên đã kiên quyết bảo vệ được các đảo của mình, chặn đứng những âm mưu xâm chiếm của quân đội nước khác. Điều này đã được chứng minh, bởi ngay khi ta vừa giải phóng được Trường Sa Lớn, đã thấy nhiều tàu nước ngoài xuất hiện quanh đảo, thấy cờ của quân giải phóng nên lại quay đi.
PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định: “Đây là chủ chương đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền độc lập của chúng ta, thể hiện rõ tầm nhìn, mối quan tâm của Đảng, Nhà nước từ thời đó, đã có ý thức bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta, mặc dù biết tình hình phức tạp”.