Phong trào cướp kho thóc, phá nhà giam, cướp vũ khí của địch từ ngoại thành và các vùng phụ cận dội đến. Tin về khu giải phóng Việt Bắc, tin về quân đội Liên Xô đánh quân Phát xít ở châu Âu thua tơi bời, đang dồn vào tận hang ổ địch. Chúng tôi thấy rõ bọn Phát xít sắp bị tiêu diệt. Ở ta thì quân phiệt Nhật sắp ngã gục. Thời cơ nổi dậy của các dân tộc đang đến. Trong không khí khẩn trương đó, tôi và anh Văn Cao, anh Đỗ Nhuận (hai bạn học và cùng hoạt động ở Hải Phòng) bàn nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào”.
Người dân Hà Nội mít tinh. Ảnh tư liệu |
Ít hôm sau, bài hát ‘Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời, bài “Du kích ca” cũng được nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho “ra lò”. Ở trong Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng vừa viết xong “Lên đàng”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi phải vất vả lắm mới hoàn thành xong “Diệt phát xít”. Lúc đó, ông chỉ chép tay một vài bản để đưa đến mấy nơi tập cho các bạn trẻ. Ngay lập tức, “Diệt phát xít” trở thành bài hát của toàn dân, vì nó mang khí thế của thời đại. Chất hành khúc của bài hát thể hiện qua nét nhạc nhảy quãng 4 (sol đô) cùng tiếng kèn đồng giục giã và thôi thúc như một lời kêu gọi:
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than”Trên cơ sở đó tác giả đã phát triển các đoạn nhạc rất khéo léo xen lẫn giữa trữ tình và bi tráng: "Đã đến ngày trả mối thù chung... Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao"Và nét nhạc thúc bách mau mau hành động: "Đồng bào tuốt gươm vùng lên... Giành lại áo cơm tự do".Nhạc sĩ Dân Huyền kể tiếp: “Ngay khi vừa sáng tác xong bài hát, Nguyễn Đình Thi đã phải đi Tân Trào để dự họp, nên không được chứng kiến cuộc mít tinh ngày 17/8/1945. Sau đó về mới nghe anh em kể lại rằng, chiều hôm đó, cả Hà Nội là không khí sôi sục của quần chúng tiến đến Tổng khởi nghĩa. Trong cuộc diễn thuyết ở Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng rất to được buông từ trên nóc xuống. Sau bài hát tập thể “Tiến quân ca”, một anh thanh niên bước ra trước máy phóng thanh hát vang bài “Diệt phát xít”. Chỉ được nghe kể lại mà ông cũng cảm thấy vui và xúc động quá đỗi, nước mắt cứ trào ra”.
Sau cuộc mít tinh ngày 17/8/1945, Hội khuyến nhạc ở Hà Nội đã in bài hát ra nhiều bản. Dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, dàn nhạc Bảo An Binh thường hay biểu diễn bài hát này ở rất nhiều nơi. Vinh dự nhất là bài hát này được chọn biểu diễn mở đầu cho Tuần lễ Vàng ở Hà Nội. Ngay sau đó, ông Trần Lâm, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đã quyết định lấy bản nhạc ‘Diệt phát xít” để làm nhạc hiệu cho Đài...
“Mỗi lần xa quê hương, xa đất nước mà nghe nhạc hiệu “Diệt phát xít” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, lòng tôi cứ xốn xang, bồi hồi. Tôi đã đôi lần trải qua những thời khắc đáng nhớ ấy, nên càng yêu mến tiếng nói quê hương, và tự hào về bài hát này”, nhạc sĩ Dân Huyền chia sẻ.