Kiên trì ngoại giao với các nước theo nguyên tắc "hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và tương trợ", trên nền tảng "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai", Đảng chủ trương mở các mũi đột phá đối ngoại, kết nối Việt Nam với các bạn bè dân chủ thế giới. Trên quan điểm ngoại giao đa phương, Đảng xác định: 1). "Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á châu"; 2). "Việt Nam là một bộ phận trong nền hòa bình chung toàn thế giới".
Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Đinh Đăng Định - TTXVN |
Chủ trương đó thể hiện nhận thức về sự gắn bó hữu cơ, mật thiết, không tách rời của Việt Nam với khu vực, thế giới; an ninh, hòa bình của Việt Nam gắn chặt với an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới và ngược lại. Đặt đất nước vào mối liên hệ với khu vực và thế giới, Việt Nam tuyên bố: Thứ nhất, "đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực"; thứ hai, "đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè"; thứ ba, "thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao, v.v., mà không thù gì với nước nào". Những phương hướng đối ngoại lớn được thực hiện trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cụ thể với từng nhóm đối tác: 1).
Với các nước Đồng minh, "hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái"; 2). Đối với Pháp, "xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau"; 3). Với các nước tiểu dân tộc trên toàn cầu, "sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập"; 4). Với các nước láng giềng Trung Quốc, "thành thực hợp tác trên tinh thần bình đẳng (...), tương trợ mà cùng tiến hóa", còn với nhân dân Khơme, Lào, "lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng (...), giúp đỡ lẫn nhau và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa". Như vậy, quan hệ của Việt Nam với bất kỳ nước nào trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, sang hèn, đều phải được xây dựng trên một trục cơ bản: Bình đẳng. Hay nói cách khác: Mọi dân tộc sinh ra trên thế giới, dù sớm muộn, lớn nhỏ khác nhau, song đều có chung những quyền cơ bản, đều có quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc.
Trong suốt những năm 1945 - 1947, thực hiện chủ trương đối ngoại phá vây, Chính phủ VNDCCH đã tiến hành các hoạt động ngoại giao trên hai hướng chính: Thứ nhất, đề nghị các nước lớn (Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Quốc Dân Đảng)...) công nhận nền độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; thứ hai, phá thế bao vây, cô lập, thiết lập trên phạm vi rộng nhất có thể các mối liên hệ với các nước. Rất nhiều lần, Việt Nam đề nghị các nước lớn và "yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi". Việt Nam khẩn thiết mong muốn Liên hợp quốc giúp đỡ "để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ"; đồng thời, yêu cầu "nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận".
Tiếc rằng, các nước lớn đã có lập trường tiêu cực trước nguyện vọng chính đáng và những đề nghị hợp tình, hợp lý của chúng ta. Thái độ cự tuyệt đó của các nước lớn càng thúc đẩy Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn để mở cánh cửa ra với thế giới. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi (từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947), chúng ta đã lập được cơ quan đại diện ở một số nước châu Á (Thái Lan, Mianmar); có quan hệ chính thức với Thái Lan, Mianmar, Ấn Độ, Indonesia...; lập được 11 cơ quan thông tin ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Việt Nam cũng cử nhiều đặc phái viên đến hơn 10 nước và khu vực khác nhau ở châu Á, châu Âu, tới các Hội nghị quốc tế... Những con số ấn tượng đó đã cho thấy một hiện thực: Trong sự cô lập của kẻ thù, trong sự kiềm tỏa của những nước lớn, nước Việt Nam nhỏ bé vẫn vượt vòng vây đến với thế giới bằng yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
Trong khuôn khổ của trật tự thế giới hai cực Yan-ta dần hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong điều kiện Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nạn giặc ngoại xâm và "nội xâm" cùng hoành hành, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa an nguy của chế độ mới, cân nhắc cẩn trọng các điều kiện chủ quan, khách quan, lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, Đảng chủ trương nhân nhượng, thỏa hiệp có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian, bảo toàn thực lực, biến thời gian thành lực lượng vật chất, tiếp tục xây dựng thực lực, biểu dương thực lực, bảo vệ vững chắc chế độ mới.