Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ 2

Nỗ lực thương lượng vãn hồi nền hòa bình mong manh

Yêu chuộng hòa bình, phấn đấu vì hòa bình là nét đặc trưng bản chất của dân tộc ta, đồng thời cũng là điểm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước VNDCCH. Từ rất sớm, trong Thông cáo về chính sách ngoại giao, Nhà nước VNDCCH đã cam kết cùng với các nước Đồng minh chung tay "xây đắp lại nền hòa bình thế giới" và tuyên bố: "Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu


Sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, khi nền độc lập bị đe dọa, nguy cơ bùng nổ chiến tranh bộc lộ rõ, Đảng và Nhà nước ta đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình. Nỗ lực vãn hồi hòa bình thời kỳ này trải qua hai giai đoạn với những đặc trưng riêng: Giai đoạn thứ nhất từ sau khi ký Hiệp định Sơ bộ đến trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ - đối thoại, loại trừ mầm mống chiến tranh, gắng sức tránh chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh đến sớm; giai đoạn thứ hai từ sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ đến cuối năm 1947 - đối thoại, thương lượng, tìm cơ hội nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Chủ trương vãn hồi hòa bình được thực hiện thông qua vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Các hoạt động vãn hồi hòa bình của Người diễn ra với tần suất liên tục và dày đặc; phương thức vãn hồi hòa bình hết sức đa dạng: Chuyến sang Pháp tháng 5/1946; ký Tạm ước 14-9 nhân nhượng quyền lợi; gửi thông điệp, thư, điện... Để các hoạt động vãn hồi hòa bình tăng tính hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới hai tuyến đối ngoại chính: Nước Pháp (nhân dân Pháp, Quốc hội, Chính phủ Pháp...) và nhân dân thế giới, tổ chức quốc tế. Với nước Pháp, người Pháp, Đảng và Chính phủ Việt Nam tỏ rõ sự hiểu biết, tình thân thiện giữa hai dân tộc, đề cao các lý tưởng tiến bộ của cách mạng Pháp - lý tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng; phân biệt rõ nhân dân Pháp yêu chuộng công lý, hòa bình với bọn thực dân xâm lược; phân biệt thực dân phản động với thực dân không phản động. Chính phủ Việt Nam kêu gọi người Pháp "thành thật cộng tác với Việt Nam một cách bình đẳng thân thiện"; "Việt - Pháp cộng tác một cách thật thà, bình đẳng"; "xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài".

Người Việt và người Pháp "có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc", vì "máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người"; "chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau". Sau cách lý giải giản đơn, giàu nhân ái, đầy sức thuyết phục ấy là một chân lý: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Với nhân dân thế giới, Việt Nam tuyên bố: "Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới". Khi những xung đột diễn ra ở Đông Dương ngày càng gay gắt, Việt Nam thông báo tới Liên hiệp quốc, đề nghị hợp tác giải quyết, nhằm "vãn hồi hòa bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng".

Tuy nhiên, bất chấp mọi cố gắng của Đảng, Nhà nước VNDCCH, bất chấp khát khao hòa bình, sự thiện chí, sự thiết tha, lòng mong mỏi được sống trong một thế giới yên bình, thân thiện của dân tộc Việt Nam, các thế lực hiếu chiến Pháp vẫn không từ bỏ ý định thiết lập lại chế độ thực dân trên đất nước ta. Khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh, Đảng vẫn chủ trương "phải lợi dụng hết khả năng ngoại giao, làm cho cuộc đổ máu Việt- Pháp rút ngắn lại". Khẳng định một lần nữa với nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp, với nhân dân thế giới về nguyện vọng trước sau như một của dân tộc Việt Nam về một nền hòa bình thực sự, một nền hòa bình hợp công lý, hợp ích lợi chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khăn vẫn có thể giải quyết cơn khủng hoảng một cách hòa bình và hợp đạo công bằng". Người cũng chỉ ra con đường đi tới hòa bình hết sức đơn giản: "Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó"; "chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hòa bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện".

Cũng cần nói thêm rằng, song song cố gắng vãn hồi hòa bình, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: "Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng"; "chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa". Đó chính là quyết tâm "toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” trong Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Đó cũng chính là quyết tâm "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" vì một nền hòa bình chân chính trong độc lập và bền vững.

(Còn tiếp)
PGS. TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ cuối
Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ cuối

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ vừa mới ra đời chưa được bất kỳ một nước nào trên thế giới công nhận, đất nước bị bao vây từ bốn phía.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN