Các thương vụ mua đất mở rộng lãnh thổ của Mỹ

Mỹ đã mở rộng lãnh thổ qua hàng loạt thương vụ mua đất chiến lược, từ Louisiana, Florida đến Alaska, góp phần quan trọng vào việc định hình nước Mỹ ngày nay. Những quyết định mua bán này không chỉ giúp Mỹ gia tăng diện tích mà còn củng cố vị thế địa chính trị, mang lại tài nguyên thiên nhiên và lợi thế quân sự. 

Chú thích ảnh
Mỹ mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách mua Louisiana từ Pháp, Florida từ Tây Ban Nha, Alaska từ Nga và một phần Quần đảo Virgin từ Đan Mạch. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Mỹ đã mở rộng đáng kể lãnh thổ của mình thông qua một loạt các thương vụ mua bán đất quan trọng từ các cường quốc thực dân trước đây và các quốc gia trong khu vực. Từ việc mua lại Louisiana từ Pháp đến Alaska từ Nga, những động thái chiến lược này không chỉ giúp  Mỹ gia tăng diện tích lãnh thổ mà còn củng cố vị thế địa chính trị trên trường quốc tế. Dưới đây là những thương vụ mua đất nổi bật đã góp phần tạo nên hình hài nước Mỹ ngày nay.

Mua Louisiana từ Pháp (1803)

Năm 1803, Mỹ mua lại Lãnh thổ Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD, tương đương khoảng 420 triệu USD ngày nay khi điều chỉnh theo lạm phát. Thương vụ này giúp  Mỹ mở rộng lãnh thổ về phía Tây, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và dân cư. Sự khó khăn kinh tế và lo ngại về an ninh ở châu Âu đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Pháp Napoleon Bonaparte khi đó đồng ý bán Louisiana, biến thương vụ này thành một trong những khoản đầu tư chiến lược quan trọng nhất của Mỹ.

Mua Florida từ Tây Ban Nha (1819)

Florida, từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, đã rơi vào tình trạng bất ổn do chiến tranh và xung đột nội bộ. Năm 1819,  Mỹ mua lại Florida từ Tây Ban Nha thông qua Hiệp ước Adams-Onis với mức giá 5 triệu USD. Thương vụ này đã giúp Mỹ mở rộng lãnh thổ về phía Nam và tăng cường kiểm soát vùng vịnh Mexico, đồng thời tạo tiền đề cho các cuộc mở rộng khác trong tương lai.

Mua Alaska từ Nga (1867)

Một trong những thương vụ mua đất nổi tiếng nhất là việc Mỹ mua Alaska từ Nga năm 1867 với giá 7,2 triệu USD, tương đương khoảng 153 triệu USD theo tỷ giá hiện tại. Alaska không chỉ mang lại cho Mỹ những tài nguyên thiên nhiên quý giá như dầu mỏ, vàng và các khoáng sản khác mà còn đóng vai trò chiến lược quan trọng trong phòng thủ quân sự tại khu vực Bắc Cực. Alaska hiện chiếm khoảng 17% diện tích của Mỹ, làm nổi bật tầm quan trọng của thương vụ này trong việc củng cố sức mạnh quốc gia.

Mua Quần đảo Virgin từ Đan Mạch (1917)

Để củng cố sự hiện diện chiến lược ở vùng Caribe,  Mỹ đã mua Quần đảo Virgin từ Đan Mạch với giá 25 triệu USD vào năm 1917. Việc mua lại này không chỉ mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mà còn biến Quần đảo Virgin trở thành một điểm đến du lịch nổi bật sau Thế chiến II, đóng góp vào nền kinh tế du lịch của Mỹ.

Những thương vụ không thành: Cuba và Greenland

Mỹ từng nỗ lực mua Cuba từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 và sau đó thuê vùng đất nơi có Vịnh Guantanamo vào năm 1903, một phần quan trọng của chiến lược mở rộng ảnh hưởng tại Caribe. Mỹ cũng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn mua Greenland từ Đan Mạch, đặc biệt là vào năm 1946 khi đề xuất trả 100 triệu USD. Năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump cũng ngỏ ý muốn mua Greenland, gây ra tranh cãi ngoại giao giữa  Mỹ và Đan Mạch. Tuy nhiên, mong muốn này không được hiện thực hóa, và Mỹ hiện không có ý định tiếp tục theo đuổi thương vụ này.

Như vậy, các thương vụ mua đất lớn đã đóng góp không nhỏ vào việc hình thành lãnh thổ  Mỹ như ngày nay. Những quyết định chiến lược đó không chỉ mang lại tài nguyên và mở rộng diện tích mà còn củng cố sức mạnh địa chính trị của  Mỹ trên toàn cầu. Từ Louisiana, Florida, Alaska đến Quần đảo Virgin, mỗi thương vụ đều mang theo những câu chuyện lịch sử và tác động sâu rộng đối với sự phát triển của Mỹ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr/en)
Hiểu lầm và thực tế xung quanh cuộc đàm phán giữa Hamas, Israel, và Mỹ
Hiểu lầm và thực tế xung quanh cuộc đàm phán giữa Hamas, Israel, và Mỹ

Cuộc đàm phán nhằm giải cứu con tin giữa Hamas, Israel và Mỹ đang vấp phải nhiều hiểu lầm và tranh cãi kể từ khi thỏa thuận ba giai đoạn được công bố. Dưới đây là những thách thức, khó khăn và những gì thực sự đang diễn ra trong quá trình đàm phán nhạy cảm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN