Những chi tiết về Hepburn và mối quan hệ của mẹ cô đã được tiết lộ trong cuốn sách mới của tác giả Robert Matzem xuất bản giữa tháng 4 vừa qua có tựa đề “Dutch Girl: Audrey Hepburn and World War II” (Cô gái Hà Lan: Audrey Hepburn và Chiến tranh Thế giới thứ 2).
Audrey Hepburn sống trong nỗi sợ hãi rằng việc mẹ mình sùng bái trùm phát xít Đức Adolf Hitler sẽ bị lộ ra ngoài và hủy hoại sự nghiệp của cô ở Hollywood. Cô kinh hãi trước ý nghĩ người hâm mộ sẽ phát hiện ra rằng mẹ cô, bà Ella van Heemstra đã gặp Hitler tại văn phòng ở Munich và từng sung sướng ngất ngây khi được Hitler hôn vào tay.
Sau khi chuyển từ Hà Lan tới Mỹ và đóng trong các bộ phim nổi tiếng như “Breakfast at Tiffany”, Hepburn lảng tránh những câu hỏi về người Đức vì cho rằng nó quá rủi ro với sự nghiệp của mình. Cô không muốn mọi người biết mẹ mình là một người hẹn hò với một sĩ quan Đức và bị cáo buộc có cờ dấu thập ngoặc trong nhà.
Theo tác giả Robert Matzen, Hepburn muốn mang bí mật về người mẹ xuống mồ vì cô không muốn gia đình bị coi là sùng bái Đức quốc xã.
Hepburn sinh năm 1929 ở Brussels, Bỉ. Trong những năm 1930, cha mẹ cô đã dành rất nhiều thời gian ở London, Anh, nơi họ rơi vào tầm ảnh hưởng của Oswald Mosley, một người Anh theo chủ nghĩa phát xít. Tại đây, bà Ella và chồng Joseph Ruston đã bị tác động sâu sắc bởi Mosley và Hitler, đặc biệt là khái niệm chủ nghĩa quốc xã.
Bà Ella từng viết một bài cho tờ báo của Mosley, nói về niềm vui của chủ nghĩa phát xít. Bà và chồng đã được Mosley mời tới Munich năm 1935 để gặp Hitler tại văn phòng trụ sở.
Khi bà Ella bước vào căn phòng, bà nhìn vào “đôi mắt xanh thẳm” của Hitler và vô cùng ngưỡng mộ “nụ cười bí ẩn, đầy khiêm nhường” của trùm phát xít. Mặc dù chồng ngồi ngay cạnh nhưng bà bị cuốn theo dòng cảm xúc khi Hitler “ga lăng và dễ chịu” đã cúi xuống và chạm môi vào da bà.
Bà Ella sung sướng với chuyến đi tới mức bà đã viết một bài báo nhân sự kiện này trên tờ Action của ông Mosley. Trong một đoạn, bà viết: “Điều tác động tới tôi mạnh mẽ nhất trong số một triệu lẻ một ấn tượng mà tôi nhận được ở đó là: (a) vóc dáng tuyệt vời của mọi đàn ông và phụ nữ ở đó và (b) không khí tươi mát, tự do tuyệt đối và không bị bất kỳ hình thức áp lực tinh thần nào chi phối. Adolf Hitler có thể tự hào vì đã tái sinh đất nước tuyệt vời này và vì sự trẻ hóa tinh thần Đức. Nước Đức ngày nay là quốc gia dễ chịu nhất và người Đức, dưới sự lãnh đạo của Đức quốc xã, là một ví dụ huy hoàng về chủng tộc da trắng trên thế giới – một dân tộc hùng mạnh, ngay thẳng, đầy tự hào, và thực sự, họ có mọi quyền như vậy”.
Khi hai vợ chồng bà Ella về nhà ở Brussels, ông Ruston tỏ ra kinh sợ quan điểm chính trị của họ. Dù vậy, sau này, ông lại bị người Anh giam giữ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai vì ủng hộ chủ nghĩa phát xít.
Hepburn sau này cho biết căng thẳng về sự việc đã khiến tóc mẹ cô bạc và bà chán nản tới mức bạn bè sợ bà sẽ tự tử. Khi sự việc xảy ra, Hepburn mới 6 tuổi. Sau này, Hepburn viết lại về quãng thời gian đó, kể rằng mẹ khóc cả ngày cả đêm đến nỗi cô tưởng như bà sẽ không bao giờ ngừng khóc.
Cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi theo Hepburn suốt cuộc đời và ảnh hưởng tới các mối quan hệ của cô. Cô liên tục quay lại cảm giác bị bỏ rơi đó.
Hepburn được cho học ở một trường ở Anh và sau đó chuyển sang Arnhem ở Hà Lan để ở cùng mẹ. Cô muốn trở thành nữ diễn viên múa và vùi mình luyện tập hàng ngày tại trường Arnhemse Muziek, ngay cả khi thành phố Arnhem bị Đức xâm chiếm năm 1940.
Bà Ella lúc đó có quan điểm rằng cách tốt nhất để sống sót thời bị Đức quốc xã chiếm đóng là hợp tác với họ. Đó là lý do tại sao bà hẹn hò với một người Đức và tổ chức lễ ăn mừng sau khi bắt đầu giai đoạn chiếm đóng.
Quan điểm của bà Ella về Đức quốc xã đã thay đổi khi họ hành quyết anh trai bà là Otto van Limburg Stirum năm 1942 vì từ chối hợp tác. Bà đã chuyển cả nhà tới thị trấn Velp khi Hepburn 14 tuổi để hỗ trợ phong trào phản kháng. Ở đây, bà đã tổ chức các buổi biểu diễn bí mật để quyên tiền cho phong trào. Trong một sự kiện tên là “Black Evening” (Buổi tối đen tối), họ đã phải bịt kín cửa sổ và bố trí bảo vệ bên ngoài để đảm bảo Đức quốc xã không phát hiện ra họ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1951, Hepburn cho biết trong phong trào phản kháng, cô thường chạy đi chạy lại đưa đồ ăn cho các phi công quân Đồng minh mà máy bay bị bắn hạ. Cô cũng phát báo bí mật bằng cách nhét báo vào bít tất và đi xe đạp để phân phát báo khắp thị trấn.
Trong một lần làm nhiệm vụ, Hepburn suýt bị Đức quốc xã giết ngay tại chỗ. Khi bị hỏi đang làm gì, Hepburn nhanh trí giữ im lặng và tặng họ hoa một cách lịch thiệp để đánh lạc hướng. Sau khi kiểm tra chứng minh thư, họ đã cho cô qua.
Năm 1945, Hà Lan được quân Đồng minh giải phóng. Hepburn chuyển tới Mỹ và có bước đột phá với bộ phim Roman Holiday năm 1953. Với vai diễn trong phim, cô giành giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Hepburn xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time và trở thành một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, lúc nào cô cũng lo ngại quá khứ dính líu tới Đức quốc xã của mẹ sẽ giết chết sự nghiệp. Dù vậy, hai mẹ con vẫn gần gũi.
Bà Ella bị cảnh sát Hà Lan điều tra và cảnh sát kết luận rằng bà không đáng tin khi hỗ trợ cho đất nước nhưng không trừng phạt bà. Hepburn không nói gì về việc này và những người phỏng vấn thường tức giận vì cô không sẵn sàng nói về đời tư. Đây là một trong những lý do mà các cuộc phỏng vấn Hepburn chỉ kéo dài 30 phút.
Hepburn khóa chặt cảm xúc về mẹ. Cô tôn trọng và yêu mẹ nhưng không bao giờ có thể hiểu được quan điểm chính trị của mẹ trước và trong giai đoạn đầu chiến tranh. Tác giả Matzem đánh giá: “Đó là một phần trong cái tôi bị tổn thương của Audrey mà cô khóa chặt trong những năm là một ngôi sao Hollywood”.
Xem diễn xuất của Hepburn trong phim Breakfast at Tiffany (nguồn: Dailymail):
Một trong số ít lần Hepburn có mở lòng là khi diễn ra cuộc thi chọn diễn viên cho phim Roman Holiday. Khi đó, cô có thể nói về việc mẹ quyên tiền cho phong trào phản kháng, về nạn đói mà cô trải qua, về các buổi biểu diễn riêng, về bệnh tật và cái chết của các thành viên gia đình.
Tuy nhiên, Hepburn không bao giờ nói về các buổi biểu diễn của cô tại nhà hát Schouwburg ở Arnhem trong giai đoạn 1942-1944 mặc dù đó là những thành tựu lớn nhất cuộc đời với một phụ nữ khao khát trở thành vũ công, chứ không phải là diễn viên. Theo tác giả Matzem, thế giới thời hậu chiến rất rõ ràng về sự tàn ác của Đức quốc xã. Hoặc là ủng hộ hoặc là phản đối Đức quốc xã. Không có vùng xám. Công chúng thời hậu chiến sẽ không hiểu tại sao Hepburn có thể biểu diễn trước khán giả có cả binh sĩ Đức.
Hepburn qua đời năm 1993 tại Thụy Sĩ sau khi mắc ung thư ruột kết. Trong những năm cuối cuộc đời, bà là đại sứ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.