Kể từ ngày ra mắt bạn đọc số đầu tiên ngày 15/10/1954, đến nay Báo ảnh Việt Nam đã xuất bản 670 số báo với khoảng 50 triệu bản gửi tới bạn đọc khắp năm châu. Kể từ ngày ra mắt bạn đọc số đầu tiên ngày 15/10/1954 với tên gọi "Hình ảnh Việt Nam”. |
Với tên gọi của những số xuất bản thời kỳ đầu là "Hình ảnh Việt Nam", trong suốt hành trình 6 thập niên qua, Báo ảnh Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên, Báo ảnh Việt Nam vẫn luôn như một cuốn biên niên sử bằng ảnh khắc họa chân thực và sinh động chân dung đất nước và con người Việt Nam.
Ngay ở số xuất bản đầu tiên, bạn đọc được thấy ở bìa 1 là hình ảnh anh Vệ Quốc đoàn vào giải phóng Thủ đô bế trên tay một em bé. Bức ảnh giản dị nhưng đầy ý nghĩa của nhà nhiếp ảnh quân đội Bùi Duy Ly đã thể hiện khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm dài chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc.
Báo ảnh Việt Nam đã gửi thông điệp ấy đến toàn thế giới ngay từ số ra đầu tiên. Và suốt 60 năm qua Báo ảnh Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, ghi lại và chuyển tải đến bạn bè khắp năm châu hình ảnh của một dân tộc Việt Nam anh dũng kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cần cù sáng tạo trong lao động xây dựng đất nước, một dân tộc giàu lòng nhân ái và có truyền thống văn hóa lâu đời, một dân tộc yêu hòa bình và mong muốn là bạn của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Qua những số báo đầu tiên bạn đọc khắp năm châu mới được biết và được thấy về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những hình ảnh dân công bạt núi mở đường, bộ đội kéo pháo vượt núi băng đèo ra mặt trận, từng đoàn xe đạp tải đạn dược và lương thực chi viện cho chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc họp của Bộ Tư lệnh mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng tài của chúng ta trong căn hầm chỉ huy ở ngay sát trận địa...
Cả hình ảnh tướng De Casterie cùng các bại tướng Pháp cúi đầu ra hàng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Pháp tại Điện Biên Phủ đã chuyển tải được phần nào chiến công vang dội này đến với thế giới.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 10/10/1954 bộ đội ta trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, miền Bắc được giải phóng thì miền Nam lại phải trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt hơn, kéo dài hơn 20 năm và kết thúc thắng lợi vẻ vang vào ngày 30/4/1975.
Trong những năm tháng hào hùng đó, hình ảnh của cuộc chiến đấu ngoài tiền tuyến và hình ảnh lao động xây dựng XHCN ở hậu phương được đăng tải đầy đủ trên Báo ảnh Việt Nam. Nhiều phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã tay máy, tay súng ra mặt trận, có người đã anh dũng hy sinh, nhưng những bức ảnh, những bài báo của họ để lại thật vô giá.
Những hình ảnh chân thực trên Báo ảnh Việt Nam đã giúp thế giới thấy được sự ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, sự chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng để bảo vệ độc lập tự do của quân dân Việt Nam. Những hình ảnh gây xúc động lòng người được đăng tải trên Báo ảnh Việt Nam và chuyển tới bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp thế giới đã góp phần dấy lên phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Báo ảnh Việt Nam có cơ hội nhiều hơn để giới thiệu với bạn bè thế giới hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, với truyền thống văn hóa lâu đời, một đất nước có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng để cùng tạo nên một nền văn hóa Việt Nam muôn sắc màu.
Với đặc thù là Tờ báo ảnh, ngoài phong cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước thì chân dung con người Việt Nam cũng được thể hiện rõ. Những con người làm nên biết bao kỳ tích trong chiến tranh và trong hòa bình, trong kinh tế và trong văn hóa.
Bạn đọc có thể gặp gỡ trên Báo ảnh Việt Nam từ những nhân vật vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến những nhà khoa học, nhà văn hóa, những bác sĩ, nghệ sĩ, các doanh nhân, những vận động viên, những người nông dân hiền lành chất phác và cả chân dung những người con đất Việt ở muôn phương vẫn luôn hướng về Tổ quốc.
Đa ngữ là thế mạnh lớn nhất của Báo ảnh Việt Nam để đưa các thông tin và hình ảnh về đất nước con người Việt Nam đến với thế giới. Hiện nay Báo ảnh Việt Nam, bản báo in với 4 thứ ngữ là Anh, Hoa, Tây Ban Nha và Lào đang phát hành hơn 140.000 bản, tới trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Báo ảnh Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 thư viện lớn trên thế giới, trong đó Trung tâm Thông tin Tư liệu của Liên hợp quốc và là ấn phẩm thông tin duy nhất của Việt Nam thường xuyên có mặt tại khu vực châu Mỹ La tinh.
Năm 1999, Báo ảnh Việt Nam điện tử chính thức hòa mạng thông tin toàn cầu với 3 ngữ đầu tiên là Việt, Anh, Pháp. Những năm tiếp theo, các ngữ Nga, Hoa, Tây Ban Nha, Nhật Bản lần lượt ra đời. Báo ảnh Việt Nam hiện nay là tờ báo giữ kỷ lục của Việt Nam, phát mạng bằng 8 thứ ngữ với khoảng 15 triệu lượt bạn đọc từ khoảng trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới truy cập thường xuyên. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm, Báo ảnh Việt Nam chính thức hòa mạng ngữ Khmer, ngữ thứ 9 trên Báo ảnh Việt Nam.
Với vai trò và lợi thế là một Trung tâm nhiếp ảnh mạnh của cả nước, năm 1999 Báo ảnh Việt Nam đã xuất bản Tạp chí Đẹp, đây là phụ san ra hàng tháng mang đến cho bạn đọc những nét đẹp nhân văn trong đời sống văn hóa, xã hội, thời trang và giải trí lành mạnh.
Từ tháng 2/2013 Báo ảnh Việt Nam xuất bản “Thời báo Việt Hàn”, Tờ báo chính thống bằng tiếng Hàn đầu tiên tại Việt Nam. Báo phát hành 8.500 số hàng tuần với 24 trang. Hơn một năm qua, Thời báo Việt Hàn đã đáp ứng tốt nhu cầu thông tin và trở thành kênh thông tin quan trọng, tin cậy của cộng đồng đông đảo người Hàn Quốc đang sinh sống và làm ăn tại Việt Nam; mong muốn Thời báo Việt Hàn cũng sẽ được phát hành rộng rãi tại Hàn Quốc, góp thêm một phần nhỏ bé vào công tác thông tin đối ngoại.
Ghi nhận những đóng góp to lớn trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, Báo ảnh Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba. Đúng dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho những thành tích xuất sắc của các phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên và cán bộ viên chức của Báo ảnh Việt Nam trong thời gian từ 2009 - 2013.
60 năm - một bề dày, một chặng đường rất tự hào của tất cả các thế hệ đã viết lên và còn viết tiếp những trang sử của Báo ảnh Việt Nam.
Nguyễn Thắng