Nâng cao chất lượng Báo ảnh Dân tộc và Miền núi khu vực Tây Nguyên

Ngày 13/8, tại TP Buôn Ma Thuột, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng báo ảnh Dân tộc và Miền núi khu vực Tây Nguyên. Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành 5 tỉnh Tây Nguyên đã về dự hội nghị.

Các đồng chí: Lê Duy Truyền - Phó Tổng giám đốc TTXVN, Trung tướng Triệu Xuân Hòa - Phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trần Quốc Khánh, - Tổng biên tập báo ảnh Dân tộc và Miền núi đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.


Các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao hiệu quả thông tin thiết thực của báo ảnh Dân tộc và Miền núi; nội dung, hình thức trình bày của báo phù hợp với thị hiếu văn hóa đọc của đồng bào DTTS, báo đã trở thành món ăn tinh thần rất bổ ích cho đồng bào. Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Với số lượng đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là hơn 1,8 triệu người thì số lượng phát hành hiện nay còn quá ít so với nhu cầu của đồng bào DTTS. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cần quan tâm hơn trong việc định hướng dư luận, tư tưởng cho đồng bào, bác bỏ các thông tin sai lệch về các chính sách của Đảng và Nhà nước; đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở các vùng đồng bào DTTS, tìm hiểu đồng bào đang cần cái gì, thiếu cái gì để từ đó có cách thức tuyên truyền phù hợp, góp phần động viên đồng bào chăm lo phát triển sản xuất. Nội dung cần ngắn gọn, cụ thể hơn, nêu được nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả vừa gắn với bảo tồn văn hóa, quảng bá du lịch. Nếu có điều kiện, cần phát hành thêm để phục vụ công tác đối ngoại tại khu vực biên giới, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền tổ quốc cho đồng bào các DTTS ở khu vực này. Các đại biểu cũng cho rằng TTXVN cần nghiên cứu để xuất bản thêm ấn phẩm song ngữ đối với các dân tộc khác có chữ viết trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Xê Đăng, Jẻ Triêng…


Đồng chí Lê Duy Truyền, Phó Tổng giám đốc TTXVN phát biểu tại hội nghị.


Đại diện các đơn vị thông tin của TTXVN như Báo Tin Tức, Ban biên tập tin Trong nước, Ban biên tập Tin đối ngoại, Cơ quan Thường trú TTXVN tại các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, trong thời gian qua, lãnh đạo TTXVN đặc biệt chú trọng tăng cường công tác thông tin đối với mền núi và dân tộc nhằm thực hiện tốt thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa TTXVN và các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã phối hợp tốt với các đơn vị thông tin trong ngành triển khai các chuyên mục, chuyên trang; đặc biệt là chuyên đề về các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ trên báo Tin tức Cuối tuần với lượng thông tin phong phú, đúng định hướng, được lãnh đạo các Ban chỉ đạo và các địa phương đánh giá cao.

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ là tờ báo chính trị - xã hội thể hiện chủ yếu bằng ảnh, đối tượng phục vụ của báo là đồng bào các DTTS nói chung, đồng bào DTTS có chữ viết nói riêng. Với cách thể hiện dễ hiểu, thông qua các phóng sự, bài phản ánh (chủ yếu sử dụng ngôn ngữ hình ảnh) ở các chuyên mục, báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã làm tốt việc trả lời các câu hỏi như: Làm gì để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS? Các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp cải thiện cuộc sống của đồng bào DTTS vùng khó khăn ra sao?... Đồng thời giới thiệu đến đồng bào những địa danh nổi tiếng; phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em và của các nước trên thế giới. Báo đã được đồng bào trân trọng, đọc và chuyển cho nhiều người cùng đọc.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Duy Truyền, Phó Tổng giám đốc TTXVN trân trọng cảm ơn các đại biểu đã quan tâm về dự hội nghị và ghi nhận 18 ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết của các đại biểu. Đồng chí đã biểu dương thành tích của tập thể tòa soạn báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời lưu ý báo ảnh Dân tộc và Miền núi được ban lãnh đạo TTXVN xác định là một trong những kênh thông tin quan trọng của ngành trong việc thực hiện thỏa thuận phối hợp thông tin tuyên truyền giữa TTXVN và các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đồng chí đề nghị các địa phương chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, phản bác các thông tin sai lệch, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi. Các phân xã địa phương cần tăng cường bám sát địa bàn để thông tin tốt trên cả 3 loại hình: báo viết, ảnh và truyền hình, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Báo Tin Tức trong việc thực hiện các chuyên mục, chuyên đề về 3 vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với việc làm tốt thông tin, báo cần chú trọng mục tiêu chuyển ngữ từng dân tộc có tiếng nói chữ viết nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của đồng bào các DTTS. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong ngành và cơ quan chức năng, các địa phương để nâng cao hơn về chất lượng nội dung, tìm hướng xã hội hóa công tác phát hành để tờ báo có thể đến với nhiều người đọc. Ban biên tập Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cần nghiên cứu phương án để tiến tới xuất bản ấn phẩm báo ảnh Dân tộc và Miền núi chung phục vụ đối tượng là đồng bào các DTTS không có chữ viết riêng được đọc báo. Báo cũng cần có trang thông tin quốc tế để phục vụ nhu cầu của độc giả và góp phần định hướng thông tin.

Thực hiện kết luận của Ban Bí thư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 7/2012, TTXVN chính thức ra mắt báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ bằng 5 chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS): Khmer, Bahnar, Jrai, Êđê, Chăm ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tháng 4/2013, báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã ra mắt thêm 3 ấn phẩm song ngữ bằng chữ viết của các DTTS: Mông, K’ho, M’nông. Hiện nay, báo ảnh Dân tộc và Miền núi xuất bản mỗi tháng 1 kỳ với số lượng mỗi kỳ là 50.000 tờ. Báo được phát hành tới gần 50.000 địa chỉ là đồng bào DTTS có chữ viết được Nhà nước công nhận tại hơn 5.000 xã, buôn, bon, thôn, bản, phum, sóc, chùa Khmer, nhà văn hóa, trường học, đồn biên phòng, người có uy tín trong cộng đồng… của hơn 40 tỉnh trong cả nước. Trong đó số lượng báo phát hành tại các tỉnh Tây Nguyên bằng song ngữ của 5 dân tộc chính là 18.300 tờ mỗi kỳ.




Việt Dũng


Ra mắt “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ
Ra mắt “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ

Chiều 22/1/2013, tại Hà Nội, báo ảnh "Dân tộc và Miền núi" song ngữ của Thông tấn xã Việt Nam đã chính thức ra mắt với 5 song ngữ là Việt-Khmer, Việt-Chăm, Việt-Bahnar, Việt-Jrai và Việt-Êđê, góp thêm một kênh thông tin sinh động dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN