Ra mắt “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ

Chiều 22/1/2013, tại Hà Nội, báo ảnh "Dân tộc và Miền núi" song ngữ của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã chính thức ra mắt với 5 song ngữ là Việt-Khmer, Việt-Chăm, Việt-Bahnar, Việt-Jrai và Việt-Êđê, góp thêm một kênh thông tin sinh động dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền Tổ quốc.


 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương TTXVN phát hành “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự buổi lễ ra mắt cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc.


Tháng 1/1991, thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi số đầu tiên do TTXVN xuất bản đã ra đời. Đây cũng là tờ báo đầu tiên trong cả nước có nội dung chuyên biệt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được cấp phát tới tất cả các xã, trưởng thôn, trưởng bản, trường học, chùa Khmer, đồn biên phòng, các cơ quan làm công tác dân tộc. Ngoài bản in bằng tiếng Việt, cũng trong năm 1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi đã được TTXVN biên dịch ra tiếng Khmer. Những năm sau đó, các ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số có chữ viết là Êđê, Bahnar, Jrai, Chăm được TTXVN lần lượt xuất bản. Các ấn phẩm bằng chữ dân tộc thiểu số này được đồng bào Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Nam Trung bộ đánh giá cao vì nó gần gũi với đồng bào do cách viết đơn giản, dễ hiểu, nhiều ảnh đẹp, được đồng bào sử dụng như là tài liệu để dạy và học chữ cho con em mình trong các trường học.


 

Toàn cảnh Lễ ra mắt " Báo ảnh Dân tộc và Miền núi " song ngữ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ tháng 7/2012, “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ Việt-Khmer, Việt-Chăm, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Êđê của TTXVN số đầu tiên đã ra mắt bạn đọc cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số có chữ viết. Bảo ảnh xuất bản bằng hai thứ tiếng nên đã nhanh chóng có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đến nay, ấn phẩm song ngữ này đã có mặt tại 52 tỉnh, thành miền núi và vùng đồng bào dân tộc trọng điểm với số lượng phát hành lên tới 35.000 bản mỗi kỳ. Hiện TTXVN đang khẩn trương khảo sát và chuẩn bị các điều kiện để trong quí II/2013 tiếp tục mở rộng xuất bản thêm 3 ấn phẩm của “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ gồm Việt-Mông, Việt- K'Ho và Việt-M'Nông. Dự kiến, đến năm 2015, TTXVN sẽ xuất bản các ấn phẩm song ngữ của tất cả các thứ tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết được Nhà nước công nhận. TTXVN cũng đang chuẩn bị đề án thành lập báo điện tử bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.


Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương TTXVN chính thức ra mắt “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ, coi đây là hành động thiết thực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước, trong đó có công tác dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm.


 

Các ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phó Thủ tướng nêu rõ, “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ có nội dung được biên tập dành riêng cho đồng bào các dân tộc, tạo cầu nối hữu hiệu giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tòa soạn nói riêng và TTXVN nói chung cần tiến hành khảo sát nhu cầu thông tin của đồng bào để không ngừng cải tiến nội dung và hình thức các ấn phẩm song ngữ sao cho ngày càng sát với đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng… của từng dân tộc. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí lớn đang thực hiện các chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số là TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, có sự phối hợp để nội dung các chương trình này ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với trình độ dân trí cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào.


Cũng tại buổi lễ, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” song ngữ có tính định hướng cao, mang bản sắc riêng cả về nội dung và hình thức, không trùng lắp với bất kỳ ấn phẩm nào hiện đang cung cấp cho đồng bào dân tộc và miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có chữ viết. Ấn phẩm đã và đang là phương tiện góp phần hữu hiệu trong việc chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào một cách ngắn gọn, dễ hiểu và sinh động.

 

Các ấn phẩm song ngữ tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào thông qua việc phản ánh đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Các ấn phẩm cũng giới thiệu gương cá nhân, tập thể điển hình, kinh nghiệm hay của bà con trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; thành tựu trong thực hiện các chương trình, dự án; các hoạt động văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, bảo tồn phát triển văn hóa, cũng như hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các ấn phẩm này đồng thời góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc và chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Đồng chí đề nghị tòa soạn “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi” cùng các đơn vị thông tin khác của TTXVN, đặc biệt là hệ thống các phân xã TTXVN tại mọi miền đất nước, cần phối hợp chặt chẽ trong công tác cung cấp thông tin cho báo ảnh song ngữ cũng như trong công tác in ấn, phát hành và hướng dẫn sử dụng hiệu quả các ấn phẩm này.


Như vậy, sau gần 68 năm thành lập, đến nay TTXVN đã là cơ quan báo chí có số lượng sản phẩm thông tin và loại hình thông tin nhiều nhất nước với hơn 30 ấn phẩm gồm báo, tạp chí, bản tin; gần 10 báo điện tử và kênh Truyền hình thông tấn, được truyền tải bằng gần 10 ngoại ngữ và 5 ngôn ngữ dân tộc thiểu số.


Thanh Giang

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN