Về vấn đề này, Báo Tin tức trả lời như sau:
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định miễn học phí đối với các đối tượng: Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước; Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
Theo khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014- 2017 đã quy định các trường đại học thí điểm cơ chế tự chủ phải thực hiện chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách như: Cấp học bổng đối với sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi; sinh viên là đối tượng chính sách; Miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách và hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường; Ưu tiên bố trí nơi ở cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách ở ký túc xá và miễn, giảm tiền thuê ký túc xá và các chính sách khác tuỳ hteo điều kiện của từng trường; Sử dụng toàn bộ tiền lãi của khoản học phí và các khoản thu sự nghiệp khác gửi ngân hàng thương mại để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.
Theo điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên thuộc đối tượng được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định sinh viên theo chế độ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật được hưởng học bổng chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ với mức học bổng từ 80% mức lương cơ sở/tháng, thời gian hưởng là 10 tháng/năm học; Học viên là thương binh thuộc hộ nghèo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật được hưởng 100% mức lương cơ sở/tháng, thời gian hưởng là 10 tháng/năm học.
Điều 2 Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục đại học với mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và thời gian hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.