Xây dựng thương hiệu du lịch 8 tỉnh Tây Bắc:“Trong cái chung, tìm cái riêng để khẳng định”

Lần đầu tiên 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) và tổ chức SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) công bố bộ sản phẩm phát triển thương hiệu du lịch chung của cả nhóm và “Logo- slogan” (Tiêu đề- biểu tượng) của từng tỉnh. Đây được coi là bước khởi đầu cho chương trình maketing giới thiệu nét đặc trưng nhất của du lịch vùng Tây Bắc.

Sau khi lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng ký kết chương trình hợp tác khung về du lịch cách đây gần 2 năm, SNV đã cử chuyên gia về maketing và phát triển sản phẩm du lịch tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những đặc điểm chung, bản sắc văn hóa của từng tỉnh để từ đó đưa ra slogan: “Khám phá vùng đất hoang sơ” – Take the path less travelled. Để đưa ra câu slogan ngắn gọn này, ông Nguyễn Văn Thăng, điều phối viên SNV, phụ trách dự án cho biết, các chuyên gia maketing đến từ Ôxtrâylia đã đi khảo sát thực tế tại các tuyến, điểm du lịch do cơ quan quản lí tại các địa phương giới thiệu và nhiều điểm do các chuyên gia tự tìm hiểu khảo sát. Ông Phil Harman, cố vấn trưởng SNV thừa nhận: Nói về cảnh quan Tây Bắc là những nét giống nhau nhưng vẫn có đặc trưng riêng như: Điện Biên có ưu thế về lịch sử. Sơn La có văn hóa của người Thái và ẩm thực. Hà Giang có Cao nguyên đá. Sapa (Lào Cai) có khí hậu và ruộng bậc thang… đó là những điểm khác nhau. Từ đó chúng tôi cũng giới thiệu bộ logo và slogan của từng tỉnh. Điện Biên với: Discover the spirit of freedom (Khám phá tinh thần tự do); Hà Giang: Witness spectacular scenes at every turn (Chứng kiến cảnh quan hùng vĩ tại bất cứ đoạn cua nào); Yên Bái: Celebrate more colour in your life (Kỷ niệm nhiều sắc màu trong cuộc sống); Phú Thọ: Your gateway to a higher place (Cửa ngõ của bạn để đến nơi cao hơn); Hoà Bình: Stay a little while longer (Ở lại lâu hơn); Sơn La: Get a taste of local flavours (Hãy nếm hương vị địa phương); Lai Châu: Escape to a mystical land (Đến với vùng đất huyền bí); Lào Cai: Find yourself in the clouds (Tự tìm thấy mình trong đám mây). Sự khác biệt của từng tỉnh sẽ là thế mạnh để các tỉnh Tây Bắc liên kết với nhau cùng giới thiệu chung một điểm đến.

Chợ vùng cao đa dạng sắc màu luôn là điểm hấp dẫn du khách


Bà Hoàng Thị Vượng, Phó phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH,TT&DL Lào Cai) cho biết, để có bộ logo và slogan này, SNV và các tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó Lào Cai là trưởng nhóm đã tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý du lịch của từng địa phương để khoanh vùng những nét đặc trưng của tỉnh, sau đó khoanh vùng những nét riêng biệt, từ đó mới thiết kế logo và tìm slogan đặc trưng nhất của từng tỉnh. Nhất là khi các tỉnh đã xác định liên kết với nhau, muốn phát triển được phải tìm được sự khác biệt trong cái chung. Đó là lý do trong các logo của từng tỉnh đều có hình núi cao chỉ sự hùng vĩ và như được dệt từ sắc màu thổ cẩm. Đó cũng là nét đặc trưng nhất của vùng Tây Bắc.

Dù đã phác thảo bộ logo và slogan của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các chuyên gia maketing về thương hiệu của SNV cho rằng, đây mới chỉ là những nét phác thảo bước đầu và các địa phương sớm có ý kiến để các chuyên gia trong lĩnh vực này chỉnh sửa hợp lý nhất.

Cùng quan điểm này, ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: SNV đã giúp một số việc cơ bản trong việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, lãnh đạo 8 tỉnh mới là người xem xét, quyết định xem logo và slogan đó nêu bản sắc từng tỉnh đó chưa. SNV là chuyên môn nhưng không ai hiểu bằng chính các tỉnh đó. Theo quan điểm cá nhân, 8 mẫu logo được đề xuất là rất ấn tượng, nhất là thông qua cái nhìn của chuyên gia maketing nước ngoài. Vấn đề là các tỉnh sẽ hành động ra sao để quảng bá bộ nhận dạng thương hiệu này; đặc biệt là kế hoạch quảng bá, xúc tiến dài hạn 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm của từng tỉnh và riêng từng tỉnh.

Ông Siêu cũng cho rằng, 4 vấn đề lớn nhất khi phát triển du lịch với vùng Tây Bắc là: Nhân lực, maketing, sản phẩm, chính sách. Trong đó, markting du lịch rất quan trọng bởi không ai giới thiệu chúng ta thì chẳng ai biết ta. Nhất là sản phẩm du lịch của vùng Tây Bắc mở rộng thời gian phát triển tự phát, na ná, giống nhau; chưa tìm ra nét đặc trưng. Do đó, qua khảo sát và sự hỗ trợ lập kế hoạch hợp tác toàn vùng, các tỉnh Tây Bắc sẽ sớm nhận diện là lợi thế của mình để từ đó có quy hoạch chi tiết điểm du lịch có lợi thế đó, từ đó sớm có chương trình hành động.

SNV sẽ hỗ trợ quảng bá qua sách hướng dẫn, bản đồ, tờ gấp và cuối năm nay sẽ ra trang web chung giới thiệu du lịch 8 tỉnh. Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chương trình xúc tiến quốc gia sẵn sàng hỗ trợ cùng các tỉnh Tây Bắc trong hoạt động xúc tiến quảng bá; công nhận và giới thiệu Cung đường Tây Bắc là chương trình tour cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, dựa trên quy hoạch chung của toàn vùng, các tỉnh sớm xác định lợi thế của từng vùng để có quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, nguồn vốn đối ứng trong quá trình triển khai dự án cần kịp thời và tương xứng với điều kiện phát triển của từng địa phương. “Không chỉ riêng với chương trình maketing với bộ nhận dạng thương hiệu, các tỉnh này còn phải triển khai đồng bộ về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm. Và điều này cần hỗ trợ SNV trong quá trình đồng hành thời gian tới”, ông Siêu nhận xét.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN