Hội thảo có sự tham dự của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, các sở, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) trình bày những nguyên lý chung, quy trình xây dựng hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển; đồng thời khái quát ý nghĩa của việc được công nhận khu dự trữ sinh quyển, cơ hội, khả năng phát triển bền vững cho địa phương; những kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ của các khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận ở Việt Nam; các vấn đề về pháp lý, cơ chế điều phối, quản lý một khu dự trữ sinh quyển.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí cũng dành phần lớn thời lượng đi sâu phân tích 7 tiêu chí của UNESCO để được công nhận là khu dự trữ sinh quyển; đồng thời trình bày phân vùng đề xuất khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa dự kiến có tổng diện tích trên 106.624 ha. Trong đó, vùng lõi có diện tích trên 16.445 ha, vùng đệm trên 48.047 ha và vùng chuyển tiếp trên 42.131 ha, thực hiện ba chức năng gồm: bảo tồn; phát triển và hỗ trợ nghiên cứu; giáo dục và văn hóa.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích vai trò, ý nghĩa của việc đề xuất khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái vùng rừng, biển khu vực Nam Trung bộ; thảo luận các tiêu chí để được công nhận khu dự trữ sinh quyển; những vấn đề liên quan đến khai thác tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý kiến hoàn thiện logo cho khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sử dụng trong hồ sơ đề xuất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quốc Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đánh giá cao những cố gắng của tỉnh Ninh Thuận và sự đóng góp hiệu quả của MAB Việt Nam trong quá trình xây dựng hồ sơ từ cơ sở pháp lý đến những giá trị bảo tồn đa dạng sinh học để đề cử khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.
Theo ông Dương Quốc Thanh, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu dự trữ sinh quyển, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của cộng đồng dân cư; xây dựng Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển có chức năng, thẩm quyền rõ ràng; tích cực hợp tác với các khu dự trữ sinh quyển để chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các khu dự trữ sinh quyển đã gặp phải để tham khảo hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét để trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển tỉnh nhấn mạnh: Khu dự trữ sinh quyển là danh hiệu cao quý do tổ chức UNESCO công nhận. Việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Núi Chúa để được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển là ghi nhận to lớn của quốc tế đối với nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Ninh Thuận.
Việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Núi Chúa để được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ tạo tiền đề cho sự kết hợp cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tỉnh quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ phát triển khác nhau.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển của tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ, phối hợp với MAB Việt Nam, Viện Sinh thái học Miền Nam, UNESCO Việt Nam, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, dịch sang tiếng Anh để trình cấp thẩm quyền thông qua và dự kiến sẽ trình lên UNESCO xem xét trong tháng 8/2020.
Đáng chú ý tại hội thảo lần này, nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Đức), Viện Sinh thái học Miền Nam, tổ chức Global Widlife Conservation, Vườn quốc gia Núi Chúa chính thức công bố vừa tái phát hiện loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là loài động vật hơn 30 năm qua không có hình ảnh hay bất kỳ thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam.
Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả ba không gian rừng, biển, bán sa mạc. Tại đây hiện có hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm, 26 loài được đưa vào Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Một trong những điểm đặc biệt của Vườn quốc gia Núi Chúa là khu vực này khí hậu khô nóng không kém nhiều nơi ở Châu Phi (nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 42 độ C). Vì vậy, nơi đây còn được biết đến với cái tên “Rừng khô Phan Rang”. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng đã tạo nên một mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, khu vực xung quanh Vườn còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa. Sự kết hợp giữa giá trị đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa đã hội tụ đủ các yếu tố, tiêu chuẩn để đề xuất Vườn quốc gia Núi Chúa trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.