Mừng song hành với lo
Cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang có đầy đủ 10 loại hình di sản địa chất mà quốc tế quy định, đủ các loại hình hệ sinh thái từ vườn quốc gia đến khu bảo tồn thiên nhiên.
Tháng 10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN), trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2014, Cao nguyên đá Đồng Văn được tái công nhận là thành viên của Mạng lưới GGN và mới đây đã được đón nhận bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Thành quả trên là nỗ lực và quyết tâm của Hà Giang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên gắn với công tác bảo tồn các giá trị di sản và mô hình phát triển bền vững.
Công ty TNHH Mckinsey&Company Việt Nam ký kết Hợp đồng tư vấn, lập quy hoạch đầu tư phát triển du lịch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và thành phố Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2035. |
Theo Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn Nguyễn Lê Huy: Tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch gắn với nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nội dung chiến lược. Nhờ tăng cường quảng bá hình ảnh và xúc tiến du lịch, những năm qua du lịch trên cao nguyên đá có bước tăng trưởng khá, lượng khách du lịch đến đây tăng bình quân trên 20%/năm. Sáu tháng đầu năm 2016, Hà Giang đón trên 421.700 lượt khách du lịch, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, lượng khách đến Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm khoảng 80% tổng số lượt khách.
Từ phát triển du lịch, mô hình xóa đói giảm nghèo thông qua vận hành Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn còn được đề cập trong các cuộc gặp gỡ của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, cũng như các cuộc họp của UNESCO về công viên địa chất toàn cầu.
Bên cạnh niềm vui về những thành quả đạt được, Cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước kỳ tái đánh giá vào năm 2018. Trên thực tế, công tác vận hành và phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn đang vấp phải nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết, đang có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Ban quản lý với các sở, ngành, chính quyền huyện. Ngoài ra, dù tỉnh đã ban hành Kế hoạch 100/KH-UBND về xây dựng và phát triển công viên địa chất giai đoạn 2015 - 2018 vào tháng 6/2015, nhưng các nhiệm vụ cần thiết phục vụ tái đánh giá vào năm 2018 lại chưa được đưa vào chương trình hành động hàng năm của tỉnh.
Theo quy định, chỉ khi được đưa vào chương trình kế hoạch thì Ban quản lý mới có thể xây dựng các dự án phục vụ kì tái đánh giá để cấp có thẩm quyền phê duyệt và phân bổ kinh phí thực hiện. Còn du lịch, lĩnh vực được xác định là ưu thế, lại chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Xét về lượng và chất thì hạ tầng du lịch vùng cao nguyên đá chưa theo kịp nhu cầu, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra vào dịp cuối tuần hay lễ hội.
Trong khi đó, du lịch cộng đồng mới chỉ manh nha ở một số điểm như thôn Nậm Đăm (huyện Quản Bạ) và làng Lũng Cẩm, xã Sủng Là (huyện Đồng Văn).
Ông Nguyễn Lê Huy dự báo: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ đương đầu với những khó khăn trong cuộc tái đánh giá năm 2018, bởi tháng 11/2015 Đại hội đồng UNESCO đã phê chuẩn thành lập Chương trình Khoa học địa chất và Công viên địa chất Quốc tế (IGGP) - một chương trình chính thức của UNESCO. Khi đã trở thành chương trình chính thức, tiêu chí đánh giá, thẩm định, tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu của Chương trình Khoa học địa chất và Công viên địa chất Quốc tế sẽ không còn đơn giản như dưới hình thức chương trình được UNESCO bảo trợ.
Bảo tồn gắn với phát triển bền vững
Việt Nam dự kiến sẽ có thêm 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” mà Chính phủ đã phê duyệt. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2020 tại 37 tỉnh, thành có di sản địa chất.
Từ kinh nghiệm của Hà Giang, nhiều địa phương đã nghiên cứu, vận dụng vào công tác xây dựng công viên địa chất ở địa phương; chủ động triển khai các bước, trong đó đã thành lập ban quản lý công viên địa chất. Có thể kể tới Quảng Ngãi với Công viên địa chất Lý Sơn, Đắk Nông với Công viên địa chất núi lửa Krông Nô.
Theo ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc xây dựng, công nhận công viên địa chất toàn cầu có những tiêu chí quốc tế. Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là mô hình nhằm bảo tồn các giá trị địa chất nhưng gắn với mô hình phát triển bền vững, bảo tồn tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Ông Trung cho rằng, các địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp tiến hành nghiên cứu để xác định tiềm năng của địa phương; sau đó xây dựng cơ chế tổ chức công viên địa chất.
Ở góc độ chuyên môn, các cơ quan về khoa học, tài nguyên - môi trường, văn hóa, du lịch phối hợp để xác định xem các địa danh, địa phương có đáp ứng tiêu chí của UNESCO không. Trên cơ sở đó, lập hồ sơ đánh giá, xác định nơi có tiềm năng để xây dựng hồ sơ trình Chính phủ và UNESCO để công nhận danh hiệu công viên địa chất. Sau cùng, tổ chức hội thảo quốc tế lấy ý kiến đánh giá của giới khoa học, giới quản lý trong nước và chuyên gia quốc tế.
Cách làm của Hà Giang là mô hình tham khảo nhưng cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương. Để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu đã khó, nhưng duy trì danh hiệu này cũng là thách thức lớn, nhất là khi Chương trình Khoa học địa chất và Công viên địa chất Quốc tế đã là chương trình chính thức của UNESCO với những tiêu chí thẩm định, tái đánh giá khắt khe.