Ngày 26/6, Công ty Cổ phần TATINTA đã ra mắt sàn du lịch thương mại TATINTA và tổ chức tọa đàm "Du lịch kỷ nguyên số - ngao du theo gu" để cung cấp nền tảng công nghệ dịch vụ du lịch y tế, du lịch mua sắm, du lịch khám phá... đến với du khách.
Bà Lê Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần TATINTA cho biết, hiện có không ít du khách, người bệnh đặc biệt là người bệnh ở các tỉnh rất khó khăn khi đến khám, chữa bệnh ở những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh. Theo đó, không ít người bệnh phải lặn lội từ các tỉnh xa xôi lên thành phố, xếp hàng từ nửa đêm để chờ khám bệnh nhưng cuối cùng lại không tìm đúng bác sĩ và bệnh viện, làm lỡ mất cơ hội vàng để chữa bệnh hoặc tốn kém tiền bạc.
"Sàn du lịch thương mại này sẽ làm vai trò kết nối với các bệnh viện, cơ sở y tế và bác sĩ để cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất và chính xác nhất nhằm giảm thiểu các khó khăn cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh kết hợp du lịch ở các thành phố lớn. Cụ thể, trước khi đến bệnh viện, khách hàng có thể vào sàn du lịch thương mại TATINTA chọn bác sĩ, đặt hẹn tư vấn để bác sĩ tư vấn trước nhằm hiểu rõ hơn về bệnh tật và chọn được người, nơi khám chữa bệnh phù hợp với túi tiền và bệnh của mình", bà Lê Hoàng Yến cho biết.
Theo bà Yến, du lịch y tế đang khá phát triển ở các nước, nhưng ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa phát triển. Vì vậy, để phát triển sản phẩm du lịch y tế, đơn vị đã ứng dụng công nghệ vào việc kết nối các bệnh viện, bác sĩ gần hơn với người bệnh nhằm cung cấp cho người bệnh các sản phẩm du lịch y tế chỉnh chu và chất lượng hơn. Mặt khác, dịch vụ này cũng giúp giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện trong thời gian qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty TSTtourist cho biết, du lịch y tế có hai phạm vi là du lịch khám, chữa bệnh và du lịch sức khỏe (rèn luyện thân tâm trí bằng hình thức vận động, thiền, thực dưỡng kết hợp liệu pháp điều trị các bệnh cụ thể). Hiện nay, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có điều kiện để triển khai, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết thế mạnh của hai loại hình du lịch này.
"Thành phố Hồ Chí Minh muốn phát triển sản phẩm du lịch y tế cần gia tăng sự liên kết, kết nối, tập huấn kiến thức cho các bệnh viện lẫn các công ty lữ hành; tiếp tục phát triển sản phẩm, đầu tư nâng chất kết hợp quảng bá mạnh tiềm năng du lịch y tế của TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, cần đẩy mạnh truyền thông và du lịch y tế là mục tiêu ưu tiên phát triển như một số nước khu vực Đông Nam Á và châu Á đã thực hiện như Hàn Quốc (phát triển chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ), Singapore (khám, điều trị các bệnh lý).…”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Du lịch - nền kinh tế xanh, cũng không ngoại lệ và ngành du lịch muốn chuyển mình mạnh mẽ phải ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình. "Ngành du lịch Thành phố cũng đã chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước", ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, để phát triển du lịch thông minh, thời gian tới ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển các giải pháp, ứng dụng công nghệ như: xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo; triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID; triển khai Dự án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC… Ngoài ra, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các công ty công nghệ triển khai kết nối dữ liệu khi các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch được hoàn thành.