TP Hồ Chí Minh phát triển du lịch đường thủy

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có khoảng 1.000 km sông, kênh, rạch, ngoài chức năng là đường thủy nội địa và hàng hải, còn có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông. Đặc biệt, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều đoạn rất phong phú và đặc sắc, được kết nối với các làng nghề, vườn cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận... Đây chính là tiềm năng lớn để TP.HCM chọn du lịch đường sông là mũi nhọn trong các loại hình du lịch của thành phố (TP).


Tiềm năng lớn


Ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ, cho rằng so với các tỉnh trong khu vực, không có nơi nào có mật độ sông rạch dày đặc và len lỏi trong nội đô như TP.HCM. Đặc biệt, hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé khá hấp dẫn du khách, khi nó bao trọn cả khu vực trung tâm của TP với các quận 1, 3, 5, 10. Ðây là khu vực cổ nhất của TP, được hình thành ngay từ khi đô thị này bắt đầu phát tích nên tập trung hầu hết cảnh quan kiến trúc đặc trưng của TP.

 

Mặt khác, mới đây, đại lộ Võ Văn Kiệt được xây dựng và chương trình cải tạo môi trường kênh Lò Gốm được thực hiện, đã tạo ra một diện mạo mới, tạo đà cho du lịch đường thủy của TP phát triển hơn. “Đây chính là những thế mạnh để các công ty du lịch TP khai thác loại hình du lịch đường thủy. Những tuyến du lịch như Bạch Đằng - Củ Chi, Bạch Đằng - Cần Giờ... hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách quốc tế. Riêng Công ty du lịch Thế hệ trẻ cũng đã đưa vào khai thác các tour, tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn, trung và dài, được du khách đón nhận nhiệt tình, thích thú”, ông Dũng cho biết.

 

Làng nghệ nhân Hàm Long (quận 2) là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách quốc tế khi tham gia tuyến du lịch đường thủy tại TP Hồ Chí Minh.


Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong tháng 8, lượng khách quốc tế đến TP đạt 309.587 lượt người, tăng 7% so cùng kỳ; trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 247.108 lượt người, tăng 6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt 2,7 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) tháng 8 đạt 8.288 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và 8 tháng đầu năm 2014 đạt 60.253 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM, khẳng định, phát triển du lịch đường thủy thời gian tới được xem là mũi nhọn, sự đột phá về phát triển sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn của điểm đến TP.HCM. Chính vì vậy, ngành du lịch TP đã soạn thảo "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP.HCM giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020" với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%... để đến năm 2020, du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.


Ngành du lịch TP cũng đã xây dựng các tuyến du lịch đường sông tầm dài từ TP.HCM xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia. Tuyến tầm trung từ trung tâm TP.HCM đi Đồng Nai, Củ Chi, Cần Giờ và tuyến tầm ngắn với cự ly khoảng 3 - 5 km, đi theo các kênh, rạch khu vực nội đô và ngoại thành với điểm dừng ở các quận 8, 2, 9. Những tuyến du lịch này đã và đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng tuyến ngắn Bạch Đằng - Củ Chi (đi Bình Dương, Tây Ninh) trung bình mỗi năm đã thu hút gần 15.000 lượt khách quốc tế.


Đồng bộ cơ sở hạ tầng


Mặc dù du lịch đường thủy có một vị trí chiến lược trong phát triển du lịch của TP và có đầy tiềm năng để phát triển, tuy nhiên sự phát triển của loại hình này vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có, do hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu trên các tour tuyến khá thiếu và yếu về chất lượng. Ông Võ Xuân Nam, Phó Trưởng phòng Lữ hành - Sở VH,TT&DL TP.HCM, cho biết: “Hạn chế du lịch đường thủy không nằm ở sản phẩm, ở tính hấp dẫn mà vấn đề nằm ở cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi.

Việc hoàn thiện các khu vực bến bãi, cầu tàu sẽ giúp du lịch đường thủy phát triển hơn (ảnh chụp tại khu vực bến Bạch Đằng, quận 1).

Chuyện xây dựng cầu tàu, bến bãi hiện nay không phải chuyện dễ bởi chi phí khá lớn. Với cầu tàu nhỏ ít nhất cũng phải hơn 100 triệu đồng, cầu tàu lớn để tàu khoảng ba trăm khách cập bến thì cần tiền tỷ. Trong khi đó, không phải đơn vị lữ hành nào cũng đủ kinh phí để đấu thầu xây dựng. Hơn nữa, doanh nghiệp lữ hành nào chịu đầu tư xây cầu tàu nhưng họ đầu tư mà chỉ được khai thác ở một khu (xây cầu tàu ở đâu chỉ được đưa khách đến đó) thì hiệu quả kinh tế lại không bù đắp được kinh phí bỏ ra. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng “ngại” đầu tư”.


Để đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến du lịch của TP.HCM và cả nước, từ ngày 11 - 13/9, tại TP.HCM sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch Quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 (ITE - HCMC 2014) do Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Sở VH,TT&DL TP.HCM tổ chức. Hiện đã có 26 tỉnh thành trong nước và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. Đây là dịp để các doanh nghiệp, quốc gia trao đổi, hợp tác, quảng bá về tiềm năng du lịch của mình; đồng thời khách hàng cũng có cơ hội tiếp cận nhiều chương trình khuyến mãi từ các công ty du lịch, hàng không...

Không chỉ cơ sở hạ tầng đang gây trở ngại mà các công trình giao thông đường bộ cũng đang cản trở du lịch đường thủy của TP. Hiện nay, TP có rất nhiều cây cầu mới và cũ được xây dựng với độ tĩnh không thấp nên tàu thuyền du lịch cỡ lớn rất khó qua lại. “Một vấn đề mà các công ty kinh doanh lữ hành đường thủy “ngần ngại” khi đưa vào khai thác các tuyến đi qua các cây cầu cũ như Bình Lợi, Phú Long, Rạch Ông, Dần Xây... là bởi các cây cầu này có độ tĩnh không thấp.

 

Nếu nước xuống tàu lớn không di chuyển được, ngược lại nếu thủy triều lên cao thì lại bị vướng cầu. Vì thế, đến nay chỉ có thể tổ chức tour với quy mô nhóm nhỏ hoặc đi bằng canô, tàu nhỏ dưới 25 khách/chuyến. Do ít khách/ chuyến nên giá canô và tour tàu nhỏ cũng sẽ đội lên cao. Chính vì thế, loại hình này chỉ phù hợp với khách đoàn “chịu chi”, không phù hợp với khách lẻ; chỉ phù hợp với khách nước ngoài và không phù hợp với túi tiền khách trong nước”, ông Thế Dũng cho biết thêm.


Chính vì thế, trong chiến lược phát triển du lịch đường thủy của TP, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án cải tạo và xây dựng mới 50 bến đón tàu, cầu tàu; đồng thời kết nối đường bộ tới các điểm tham quan. Theo ông Lã Quốc Khánh, trong thời gian tới, ngành du lịch TP sẽ thay đổi cách triển khai đề án phát triển du lịch.

 

Theo đó, thay vì tiến hành từ trên xuống dưới như lâu nay (mọi công việc đều do Sở VH,TT&DL làm từ đánh giá các tiềm năng cảnh quan, vận động doanh nghiệp tham gia...), sẽ yêu cầu chính quyền các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông trực tiếp tham gia như: Xác định nhu cầu; địa điểm bến, trạm dừng; nguồn kinh phí đầu tư và quy hoạch mạng lưới các điểm dừng, bến đỗ; thực hiện thường xuyên các công tác nạo vét, cải tạo môi trường dọc các tuyến kênh... “Hy vọng, với những giải pháp trên sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, hạn chế cho loại hình du lịch đường thủy, từ đó tạo đà cho loại hình du lịch này phát triển xứng tầm hơn”, ông Lã Quốc Khánh chia sẻ.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Làng văn hóa du lịch - lịch sử
Làng văn hóa du lịch - lịch sử

Với gần 20 điểm di tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống còn được lưu truyền, đồng bào Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) luôn tự hào về ngôi làng của mình. Làng Tân Lập năm 1945 được biết đến là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN