TP Hồ Chí Minh gia tăng hiệu quả liên kết du lịch - Bài cuối: Xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh tại miền Trung

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung theo hướng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, trong đó mỗi địa phương cần có một sản phẩm làm bản sắc riêng.

Đầu tư hạ tầng giao thông

 Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là hoạt động ý nghĩa trong phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương, đặc biệt sau đợt dịch COVID-19. Sau một thời gian triển khai liên kết, lượng khách đến các tỉnh miền Trung cũng đã khả quan hơn, các nhóm liên kết cũng đã tích cực triển khai, trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới về phát triển du lịch địa phương; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế; tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách...

Chú thích ảnh
Các tỉnh miền Trung có lợi thế để phát triển du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, việc liên kết hợp tác phát triển là vấn đề sống còn đối với hoạt động du lịch, điều đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch như hiện nay. Song, đóng góp thực tế của ngành du lịch trong tăng trưởng kinh tế miền Trung còn khá hạn chế. Du lịch chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác thô các tài nguyên du lịch và tập trung thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú. Chưa kể, các sản phẩm du lịch vùng còn khá đơn điệu và có sự trùng lặp ở nhiều địa phương nội vùng; hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát và dùng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương.

TS. Trần Du Lịch cho biết, việc liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung đang có những “điểm nghẽn” chính. Đầu tiên là giao thông kết nối các tỉnh, thành còn kém phát triển, nhiều nội dung liên kết không được triển khai hoặc triển khai nhưng chưa đạt được kết quả; chưa tạo được sản phẩm du lịch chung, đặc sắc, mang thương hiệu riêng cho các tỉnh liên kết; chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh, các vùng khác trong hợp tác phát triển...

Tương tự, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các điểm du lịch tại một số địa phương miền Trung còn tồn tại nhiều "điểm nghẽn". Để du lịch các tỉnh bứt phá, đặc biệt cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng sân bay để có thể đón khách quốc tế nhiều hơn. Trong 2 năm dịch COVID-19 xảy ra, các tỉnh miền Trung cũng đã bỏ lỡ thời cơ vàng để cải tiến, nâng cấp các sân bay. Khi dịch tạm lắng, du lịch phục hồi mạnh mẽ, các sân bay trở nên quá tải, thậm chí "vỡ trận". Vì vậy, các tỉnh miền Trung phải giải quyết cho được hạn chế này để đưa du lịch bứt phá mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các địa phương miền Trung cần chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, thiên nhiên bởi đó là xu thế cốt lõi trong phát triển du lịch hiện đại. 

Tập trung tháo các điểm nghẽn

Chú thích ảnh
Cầu Tràng Tiền Huế được xem là biểu tượng của cố đô, mang đậm dấu ấn lịch sử qua bao thăng trầm của đất nước. Đây còn là điểm du lịch hấp dẫn thu hút mọi du khách khi đến Huế bởi vẻ đẹp duyên dáng, thơ mộng bắc qua dòng sông Hương trôi lững lờ

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để phát triển du lịch các tỉnh miền Trung theo hướng bền vững, các địa phương cần nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp để phát triển các sản phẩm mới; hợp tác liên kết phát triển giữa các vùng; quan tâm đến xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung và hiệu quả công tác này. Cùng với đó, các địa phương cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

"Chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau, đoàn kết hợp tác để đưa ngành du lịch các địa phương miền Trung với TP Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Vì vậy, đề nghị các địa phương cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương; hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là chia sẻ dữ liệu về du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với khách du lịch", ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Còn ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm triển khai đồng bộ, cơ cấu lại ngành theo yêu cầu và xu hướng mới, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững, du lịch xanh thân thiện với môi trường; phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.

"Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và thương hiệu mạnh đến đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế tại địa phương. Qua đó, tạo đột phá về hạ tầng dịch vụ du lịch, đem lại sức hút nổi trội của du lịch tỉnh, tạo cú hích để du lịch tăng trưởng nhanh, đột phá", ông Hoàng Tuấn cho biết thêm. 

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đề nghị các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chủ động hơn nữa việc đẩy mạnh mở cửa thị trường du lịch quốc tế, thông qua 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách.

"Các địa phương trong nhóm liên kết cần xây dựng và thống nhất quy hoạch phát triển du lịch theo vùng, theo nhóm liên kết dựa trên việc hợp tác để cùng xây dựng các sản phẩm du lịch chung; tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh, hình thành điểm đến du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền trung và ngược lại. Bên cạnh đó, việc ban hành chung chiến lược phát triển du lịch của vùng để mỗi địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của địa phương bổ trợ cho nhau nhưng không trùng lắp, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, kéo dài kỳ tham quan của du khách. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp tay ba giữa các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành và hệ thống vận tải để tạo ra sự liên kết chặt chẽ, bền vững để phục vụ ngành du lịch hiệu quả", ông Hà Văn Siêu cho biết thêm. 

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã liên kết du lịch năm vùng với gần 50 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó các tỉnh trọng điểm miền Trung. Với vai trò là một trung tâm du lịch cả nước, hoạt động liên kết du lịch đã tạo điều kiện chuyển tiếp dòng khách giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Để hoạt động liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh các tỉnh miền Trung sôi nổi hơn, ngành du lịch các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động du lịch một cách an toàn... Bởi việc liên kết du lịch giữa các tỉnh không chỉ nhằm trao đổi, kết nối nguồn khách mà còn tạo ra sức hút đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách kích cầu, đủ sức kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo, từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch các tỉnh trong nhóm liên kết.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung vẫn còn rất nhiều dư địa để phát huy thế mạnh của các tỉnh. Do đó, đề nghị các địa phương cần quan tâm khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng. Đặc biệt, tập trung phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch, truyền tải thông điệp "Live fully in Vietnam - sống trọn vẹn tại Việt Nam" đối với thị trường quốc tế và "Du lịch an toàn –Trải nghiệm trọn vẹn" đối với thị trường nội địa. Chú trọng thu hút đầu tư, hợp tác công - tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

Đối với các địa phương, cần quan tâm khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng và cân bằng giữa các địa phương, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng. Ngoài ra, các vùng cũng cần tập trung phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng cường nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến...

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh gia tăng hiệu quả liên kết du lịch - Bài 4: Phát triển dòng khách cao cấp
TP Hồ Chí Minh gia tăng hiệu quả liên kết du lịch - Bài 4: Phát triển dòng khách cao cấp

Với sự đa dạng tài nguyên du lịch như rừng, biển, sông, hồ... vùng Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) đang phát triển nhiều loại hình du lịch. Tuy nhiên, để ngành du lịch của các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động liên kết để phát triển dòng khách cao cấp để kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN