Tập trung phát triển hạ tầng giao thông
Theo các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Bắc sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc (Cao Bằng)... Đặc biệt, vùng này có hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa và gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống. Đây đều là những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch để nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ở đây.
Tuy nhiên, du lịch vùng Đông Bắc trong thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ví dụ, tỉnh Tuyên Quang hiện nay chủ yếu thu hút khách du lịch nội địa và điểm đến tham quan là di tích lịch sử Tân Trào. Còn các tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, thăm quan các cảnh đẹp thiên nhiên, khám phá văn hóa bản địa vẫn còn nhiều khoảng trống. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch của các tỉnh vùng Đông Bắc còn nhiều hạn chế; công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch còn ít được quan tâm ở nhiều địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và cần được đào tạo thêm…
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông công ty TSTtouirts, cảnh quan, cuộc sống, văn hoá vùng Đông Bắc rất hấp dẫn du khách. Thế nhưng, một số địa phương chưa biết cách biến tiềm năng tự nhiên thành sản phẩm du lịch; công tác quảng bá du lịch còn hạn chế, chưa tạo được dấu ấn để du khách tìm đến. Vì vậy, ngành du lịch vùng Đồng Bắc nên tìm hiểu và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng để thu hút du khách nội địa và quốc tế đến nhiều hơn như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá văn hóa người bản địa...
Tương tự, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, so với các tỉnh Tây Bắc thì đường giao thông đi đến các tỉnh Đông Bắc còn khó khăn hơn. Vì vậy, các tỉnh Đông Bắc cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi để phát triển du lịch liên vùng, liên tuyến... Một khi giao thông thuận lợi cũng giúp doanh nghiệp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đưa nhiều du khách đến với vùng Đông Bắc hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay vùng Đông Bắc có nhiều tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch khám phá tìm hiểu văn hóa lịch sử các dân tộc... Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết với các tỉnh để phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên. Hoạt động liên kết này đã tạo ra một chuỗi các sản phẩm phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng từ Bắc tới Nam và ngược lại để tạo nên một khối sức mạnh tổng thể, từng bước đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt các hoạt động liên kết các tỉnh với nhiều hoạt động kết nối, quảng bả sản phẩm du lịch, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc mở rộng.
"Sắp tới, muốn biến tiềm năng du lịch vùng Đông Bắc thành các sản phẩm du lịch hiện hữu, hấp dẫn du khách, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và xác định đã đầu tư cho du lịch thì phải làm thật sự, đầu tư có quy hoạch và chiến lược dài hơi, rõ ràng. Đặc biệt, cần ưu tiên sự kết nối vùng, kết nối với các đơn vị lữ hành trong cả nước; bởi chính doanh nghiệp là những người đưa khách đến và biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, từ đó cùng nhau rút kinh nghiệm xây dựng sản phẩm được tốt hơn", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề xuất.
Động lực cho phát triển kinh tế vùng
Theo các tỉnh Đông Bắc, hiệu quả của việc liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh cũng đã có hiệu quả tích cực khi giúp các tỉnh phát triển thương mại, dịch vụ, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và “xuất khẩu” tại chỗ được nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương. Để du lịch phát triển nhanh, bền vững và bứt phá, mỗi địa phương Đông Bắc cũng đã xây dựng kế hoạch và chiến lược du lịch riêng, nhưng có điểm chung là phát triển du lịch mang yếu tố đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau 2 năm triển khai hoạt động liên kết du lịch phát triển du lịch, 8 tỉnh Đông Bắc với TP Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả tích cực. Việc này thể hiện qua việc các tỉnh Đông Bắc đã mở rộng thêm một lượng lớn thị trường khách đến từ các tỉnh phía Nam và ngược lại, đặc biệt là thị trường khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh đã tăng mạnh so với thời gian trước. Từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết đạt hơn 20 triệu lượt khách (trong đó có hơn 900.000 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, nhờ hoạt động liên kết du lịch với các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh mà hàng năm, lượng khách miền Nam đến Hà Giang liên tục tăng, không chỉ thế còn có thời gian lưu trú dài ngày, góp phần giúp ngành du lịch của tỉnh phát triển, đời sống người dân địa phương cũng dần được cải thiện.
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Giang, bà Triệu Thị Tình cho rằng, trước mắt Hà Giang và các tỉnh trong khu vực cần khai thác sâu vào văn hóa bản địa, tạo sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch miền núi với các tỉnh vùng trung du, đồng bằng. Muốn làm được điều đó, mỗi địa phương cần có chiến lược bài bản, lâu dài, trong đó trọng tâm là phải thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc.
“Đối với Hà Giang, tỉnh cũng đã xác định lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Từ nhận thức xuyên suốt đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm thực hiện và tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đầy bản sắc, đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao”, bà Triệu Thị Tình cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, hiện nay, TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc đã kí kết hợp tác để có nhiều cơ hội cùng nhau phát triển ngành du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn trong hành trình khám phá Việt Nam của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc cũng đang hướng đến du lịch xanh. Vì vậy, sắp tới các doanh nghiệp lữ hành cần liên kết với các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc để xây dựng, đầu tư những sản phẩm liên kết vùng đặc trưng, bền vững nhằm thu hút du khách.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để tăng hiệu quả liên kết du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc, các địa phương trong vùng cần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về các giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống... để cùng bắt tay với TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh khai thác những tiềm năng và lợi thế, từ đó tạo nên các sản phẩm du lịch khác biệt, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng Đông Bắc. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng tạo dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào du lịch.
Bài 3: Để du lịch đồng bằng sông Cửu Long cất cánh