Đó cũng là kết quả của nhiều nỗ lực quảng bá hình ảnh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của địa phương.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong 10 ngày nghỉ Tết (từ ngày 28/1 đến 6/2), khoảng 63.230 lượt khách đến tham quan các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh (tăng hơn 269% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 822 lượt khách quốc tế là các chuyên gia đang làm việc hay cán bộ và gia đình của một số đoàn ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Những rạp chiếu phim lớn ở thành phố Huế cũng thu hút hàng ngàn người. Các dịch vụ cho thuê, may áo dài ngũ thân, áo dài nhật bình, áo tấc đi kèm dịch vụ nhiếp ảnh tại các điểm di sản thu hút rất đông du khách...
Trong dịp này, khoảng 325 chuyến bay đến và đi tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, trong đó có 25.255 khách đến. Bên cạnh đó, nhiều du khách đi du lịch đầu xuân theo nhóm gia đình bằng phương tiện ô tô cá nhân, một số hãng lữ hành cũng tổ chức tour đưa khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ra tham quan Huế. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tỷ lệ đặt phòng rất cao, với tổng lượng khách lưu trú ước đạt 26.556 lượt.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Hữu Thùy Giang cho rằng, công tác quảng bá hình ảnh về du lịch Cố đô Huế thời gian qua được triển khai một cách bài bản, có trọng tâm vào những thị trường nội địa như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên… nên đã tạo sức hút du khách trong dịp nghỉ Tết.
Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Festival bốn mùa với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được phân bổ khắp thời gian trong năm sẽ là nét riêng để du khách có thể lựa chọn đến với Thừa Thiên-Huế vào thời điểm phù hợp để trải nghiệm vẻ đẹp của mảnh đất hội tụ nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc này.
Trong bối cảnh thích ứng với dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến, ẩm thực, dịch vụ du lịch Huế trên các trang mạng xã hội của Visit Hue và website tiếng Nhật thông qua các clip ngắn; tổ chức cuộc thi ảnh và video trực tuyến với chủ đề “Huế trong tôi”; lựa chọn hình ảnh nhận diện cho thương hiệu “Huế-Kinh đô ẩm thực”; phối hợp với Google quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế thông qua việc tôn vinh các thắng cảnh tự nhiên, di sản vật thể và phi vật thể của Huế trên công cụ Google Arts & Culture trong dự án Kỳ quan Việt Nam (Wonders of Vietnam). Bên cạnh đó, Sở Du lịch tỉnh cũng ra mắt sản phẩm “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế”.
Năm 2022, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế tập trung xây dựng các thương hiệu du lịch chủ đạo song song với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa - di sản, trong đó chú trọng các sản phẩm gắn với "Huế - Thành phố của lễ hội", "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài”. Đồng thời, địa phương sẽ triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược dài hạn cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới trong bối cảnh thích ứng với tình hình dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2022 có hai phương án dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch địa phương. Phương án một, nếu tình hình dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, địa phương sẽ triển khai theo trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh, tập trung đón khách du lịch nội tỉnh, nội địa; từng bước tổ chức thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn. Dự kiến năm 2022, sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách và tổng thu từ du lịch ước khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng.
Phương án hai, nếu tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế, việc đón và phục vụ khách được diễn ra trong điều kiện bình thường. Dự kiến năm 2022, tỉnh đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách (cơ bản phục vụ đón khách du lịch quốc tế ở thị trường an toàn) và tổng thu từ du lịch ước khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng.