Thủ tục nhập cảnh cần nhanh gọn
Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điểm mới nổi bật của Luật này là nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) lên 90 ngày. Luật này cũng cho phép công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực sẽ được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày).
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing thuộc Công ty TST Tourist cho biết, với chính sách này, nhà tổ chức tour cũng thỏa sức sáng tạo, xây dựng các sản phẩm du lịch dài ngày với nhiều trải nghiệm khác nhau dành cho khách du lịch từ các nhóm quốc gia khác nhau. Mặt khác, khi Việt Nam có chính sách nới lỏng về thị thực cũng sẽ giúp ngành du lịch bước vào giai đoạn mới có tính cạnh tranh quốc gia so với các nước láng giềng như Thai Lan, Singapore…
"Các đối tác thị trường xa của doanh nghiệp trước đây thường yêu cầu chào tour phù hợp từ 12 ngày lưu trú ở Việt Nam thì nay đã nâng lên tour 19 - 20 ngày khi nối tour với Campuchia, Lào... Đây chính là giá trị của công cụ điều tiết từ chính sách visa giúp nâng giá trị của ngành du lịch Việt Nam", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Sau khi thực hiện hiệu quả việc tháo gỡ điểm nghẽn về thị thực cho du khách, một số du khách Việt Nam khi du lịch nước ngoài trở về Việt Nam lại cảm thấy mệt mỏi vì thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu trong sân bay Việt Nam. Chị Đỗ Thị Hồng Vân (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Sau khi máy bay hạ cánh đến Sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn chúng tôi được hướng dẫn xếp hàng chờ nhập cảnh. Tại đây chúng tôi phải xếp hàng chờ mất 30 phút mới tới lượt mình được hướng dẫn đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh tự động (autogate) để thực hiện nhập cảnh vào Việt Nam".
Theo chị Hồng Vân, với những người có hộ chiếu mẫu cũ (không có chip) phải thực hiện theo các bước: chụp ảnh, scan hộ chiếu, lấy dấu vân tay ở máy tự động, làm thủ tục ở quầy thủ công, lấy dấu vân tay xong mới đến bước thứ ba. Còn đối với những người có hộ chiếu mẫu mới (có gắn chip) thì đi thẳng đến bước thứ ba. Tuy nhiên, điều khó khăn cho hành khách lớn tuổi là việc chụp ảnh và scan hộ chiếu, lấy dấu vân tay ở máy tự động… khá phức tạp và đa số hành khách đều không thể thực hiện. Nếu có thực hiện được thì thiết bị quét vân tay lại liên tục báo lỗi. Tại khu vực này, chị Vân phải chờ đến lượt và thực hiện các thao tác nhập cảnh mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
"Mặc dù đã cố gắng scan vân tay nhiều lần, máy quét vẫn báo lỗi liên tục. Sau 5 lần không thể quét vân tay, tôi đành phải nhờ tới nhân viên an ninh hỗ trợ. Như vậy từ lúc bắt đầu làm thủ tục nhập cảnh đến khi thành công tôi đã phải chờ đợi hơn 1 giờ 30 phút. Đó là đối với những người trẻ và được nhân viên an ninh hướng dẫn thì thời gian thực hiện thủ tục nhập cảnh mất khoảng 1 giờ trở lên nhưng đối với những người già và khi không có nhân viên an ninh túc trực tại quầy nhập cảnh tự động hỗ trợ thì không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới thực hiện xong các thủ tục nhập cảnh", chị Hồng Vân ngán ngẩm cho biết thêm.
So sánh với thủ tục nhập cảnh nhanh gọn tại sân bay ở Singapore, chị Hồng Vân cho biết, trước khi lên máy bay ở Việt Nam, chị đã lên cổng thông tin của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) khai báo trực tuyến vào tờ khai nhập cảnh, sau đó nhận kết quả qua email. Khi đến sân bay của Singapore, chị qua 2 máy nhập cảnh tự động để quét hộ chiếu và lấy vân tay, chưa quá 5 phút là xong tất cả thủ tục tại quầy nhập cảnh tự động. Khi về lại Việt Nam, tại cửa khẩu của sân bay Singapore, chị cũng chỉ cần quét hộ chiếu qua máy tự động và chờ 1 - 2 phút là xong thủ tục xuất cảnh. "Các thủ tục này tại Việt Nam lại tính bằng giờ gây mệt mỏi, phiền toái cho người dân và cả du khách khi muốn nhập cảnh vào Việt Nam", chị Vân nhận định.
Theo chị Hồng Vần, để thuận tiện cho người dân, du khách, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng cần đẩy nhanh áp dụng các biện pháp công nghệ trong kiểm soát điện tử khi cần khai báo xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu sân bay quốc tế. Chỉ có tháo gỡ khó khăn từ các thủ tục nhập cảnh theo hướng nhanh gọn, đơn giản mới không gây phiền hà cho du khách đến Việt Nam.
Cần có làn ưu tiên cho du khách quốc tế
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, vào mùa cao điểm du lịch, nhiều nước cũng gặp tình trạng xếp hàng dài chờ làm thủ tục nhập cảnh nhưng thời gian chờ làm các thủ tục nhập không quá lâu như Việt Nam. Đặc biệt, họ phân làn khoa học, có ưu tiên cho du khách để tạo thiện cảm. Còn ở Việt Nam, không có làn ưu tiên nào nên người dân hay du khách đều đứng chung một hàng và chờ đợi rất lâu mới đến lượt mình. Hơn nữa, ít người biết đến và tiếp cận được hệ thống nhập cảnh tự động của Việt Nam.
“Khi nhập cảnh vào Việt Nam, khách Việt luôn đông nhất. Do đó, để thể hiện sự hiếu khách, người Việt nên có làn ưu tiên cho khách quốc tế, đồng thời vận động, khuyến khích người Việt nhập cảnh ở trụ, quầy tự động để không phải chờ đợi quá lâu khi nhập cảnh”, ông Trần Thế Dũng đề xuất.
Trong khi đó, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Liên Bang cho biết, hiện nay, các sân bay Việt Nam cần nên bố trí lại cách xếp hàng làm thủ tục theo hướng chỉ xếp một hàng rồi cử người phân bổ từng tốp 10 khách vào 10 quầy thay vì để khách xếp 10 hàng, tránh được tình trạng ùn ứ khi có trường hợp khách bị trục trặc thông tin. Ngoài ra, các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết thủ tục để việc hoàn thành thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Nhìn nhận việc nhập cảnh mất nhiều thời gian cho du khách, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh của các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp du lịch về những khó khăn, phiền toái, bất tiện khi đến và rời Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất với các thủ tục nhập cảnh. Trong đó, những hành khách đặt dịch vụ hạng thương gia vẫn phải xếp hàng nhiều giờ để chờ làm thủ tục. Việc ứng dụng công nghệ vào quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh ở Cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất đã được triển khai từ tháng 8/2023 nhưng đến nay, thời gian chờ đợi của hành khách vẫn quá lâu. Vì vậy, để giải quyết tình trạng chờ đợi quá lâu khi nhập cảnh, Sở cũng đã có văn bản kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Cảng vụ Hàng không miền Nam triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào quá trình làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cấp thị thực và thủ tục lên máy bay nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của du khách. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị các cơ quan nghiên cứu, cho thí điểm làn (line) ưu tiên dành riêng cho khách hạng thương gia; tăng các chuyến bay đêm để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của du khách…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 5 sân bay áp dụng công nghệ nhập cảnh tự động (autogate) gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Trong đó, từ tháng 8/2023, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã đưa vào vận hành 10 máy quét hộ chiếu (5 máy ở khu vực xuất cảnh, 5 máy ở khu vực nhập cảnh) nhưng đến nay, thủ tục nhập cảnh qua hệ thống autogate chỉ dành cho công dân Việt Nam đã đăng ký sử dụng autogate thành công (người có hộ chiếu gắn chip điện tử thì không cần đăng ký).