Bài 1: Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò tiên phong
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong ba tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế, dẫu đầu cả nước về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Để giữ vững vị trí tiên phong của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng để du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Nâng chất dịch vụ
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, tại các điểm đến nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh như: Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... luôn có đông du khách nước ngoài tham quan. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh trong ba tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 1,4 triệu lượt, đạt 23% so với kế hoạch năm 2024; riêng trong tháng 3/2024 đạt gần 481.000 lượt. Trong khi đó, khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh cũng đạt hơn 8 triệu lượt, trong đó tháng 3 đạt hơn 2,9 triệu lượt. Tổng doanh thu của ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm 2024 khoảng 44.710 tỷ đồng, đạt 24% so với kế hoạch năm 2024.
"Trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu ngành Du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố tập trung đón lượng khách lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Âu... Những điểm tham quan được du khách nước ngoài yêu thích tại TP Hồ Chí Minh gồm: Bưu điện trung tâm Thành phố, Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tour khám phá trung tâm Thành phố bằng xe buýt hai tầng… Bên cạnh đó, các tour Biệt động Sài Gòn, du lịch trên sông Sài Gòn đang trở thành những lựa chọn được nhiều du khách nước ngoài yêu thích", ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết.
Để thu hút du khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết, hiện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: xây dựng các tour du lịch nội thành kết hợp với các tour khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Thành phố ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; tập trung nâng chất các chương trình lễ hội như: Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh...; tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt với các tỉnh, thành phố khác như: du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch đường sông...
Đặc biệt, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng hướng đến du lịch xanh, xây dựng liên minh du lịch để kích cầu, thúc đẩy du lịch trong tổng thể của liên ngành, liên vùng. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với gần 50 tỉnh, thành phố trong các nước để đây dựng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung chuyển đổi số du lịch tại các doanh nghiệp, bởi qua thực tiễn cần vai trò của doanh nghiệp vì vận hành công cụ số cần doanh nghiệp, các doanh nghiệp am hiểu cơ chế thị trường hơn quản lý nhà nước.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu tại châu Á với hình ảnh thành phố “Cởi mở - Trẻ trung - Sống động - Hứng khởi - Hướng về tương lai”. Theo đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, điểm đến... nhằm thu hút thêm nhiều du khách đến Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nó riêng, từ đó giúp củng cố vị thế hàng đầu của mình trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Thực tế, tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 2.320 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và khoảng 120 khách sạn từ 3 sao trở lên. Thời gian qua, những cơ sở sở lưu trú này đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành khách sạn để đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng và giữ chân du khách quốc tế lâu dài hơn.
Đón nhiều khách tàu biển
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đa số thông qua du lịch tàu biển. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 3, Việt Nam đã đón hàng loạt tàu du lịch biển như Celebrity Millennium, Silver Moon, Celebrity Solstice, Resort World One, Azamara Onward, Silver Shadow... với hàng ngàn du khách quốc tế đến nhiều điểm đến như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long…
Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, lượng khách quốc tế đến bằng tàu du lịch biển đang tăng trưởng tốt. Trong 3 tháng đầu năm nay, công ty phục vụ khoảng 68.000 khách quốc tế, trong đó khách tàu biển chiếm gần 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam mà công ty phục vụ. Dự kiến trong năm nay, lượng khách đến Việt Nam bằng du lịch tàu biển sẽ tăng 10 - 15% so với năm 2023. Điều này cho thấy, mảng du lịch tàu biển quốc tế đang thể hiện sự hồi phục và tăng trưởng nhanh trong mùa du lịch tàu biển 2023 - 2024.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, du khách quốc tế chọn tàu biển là do chuộng các chuyến đi dài ngày, ghé nhiều cảng ở Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… Tại TP Hồ Chí Minh, du khách thường đi các tour tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, trải nghiệm cà phê và ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn. Còn ở Nha Trang, khách lại chuộng các tour đến các địa danh văn hoá - lịch sử, các bãi tắm đẹp, đạp xe dạo quanh thành phố kết hợp tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương.
"Sắp tới, để thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách tàu biển, bên cạnh những bãi biển đẹp, phong cảnh đẹp, Việt Nam cần đầu tư xây dựng tour, tuyến mới... Trong đó, văn hóa bản địa phải là yếu tố chủ đạo đi cùng với sự hiện đại và phù hợp với xu thế", ông Nguyễn Thành Lưu cho biết thêm.
Ngoài nguồn khách tàu biển, ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TP Hồ Chí Minh, cho biết từ cuối tháng 10/2023 đến nay, đơn vị đều đặn nhận các đoàn khách châu Âu đến tham quan TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL bằng đường hàng không, đường bộ. Du khách đến TP Hồ Chí Minh thường chọn các điểm đến mang tính chất lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ... để tham quan tìm hiểu. Ngoài ra, ẩm thực của Việt Nam cũng thu hút nhiều du khách nước ngoài tìm hiểu tại TP Hồ Chí Minh.
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng tốt, đón nhiều giải thưởng danh giá, như: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới... Trong đó, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn là địa phương tiên phong dẫn đầu về lượng khách quốc tế.
"Có được kết quả này do sự nỗ lực của TP Hồ Chí Minh khi tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Sắp tới, ngành du lịch Việt Nam muốn đón khách quốc tế bền vững cũng cần nâng chất lượng du lịch Việt Nam. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế; các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy hiệu quả tác động từ chính sách thị thực áp dụng từ 15/8/2023, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương và thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày để giữ khách ở lại Việt Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn...", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Bài 2: Liên kết để đa dạng nguồn khách và thị trường