Thiên đường du lịch trải nghiệm Cù Lao Xanh

Cù Lao Xanh (tức xã đảo Nhơn Châu) của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chỉ cách đất liền khoảng 12 hải lý, tương đương khoảng nửa tiếng đi ca-nô cao tốc.

Chú thích ảnh
Phong cảnh đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Ly Kha/TTXVN.

Đảo sở hữu khung cảnh thiên nhiên rất hoang sơ, tươi đẹp, hùng vĩ, chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Khoảng 3 năm gần đây, đảo trở thành điểm đến lý tưởng, được ví như chốn thiên đường giữa biển khơi, dành cho các du khách ưa trải nghiệm, khám phá.

“Đặc sản tự có” thu hút du khách

Tuy có diện tích, dân số và khoảng cách so với đất liền gần như tương đương với hòn đảo du lịch nổi tiếng Cù Lao Chàm (Quảng Nam) nhưng đảo Cù Lao Xanh chỉ mới được du khách biết đến trong vài năm qua. Suốt nhiều thế hệ, bà con trên Cù Lao Xanh chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt ven bờ và trao đổi với đất liền. Vì thế bà con nơi đây còn giữ nguyên nếp sống thân thiện, thật thà, hiếu khách của những người dân làng chài thuần túy. Người dân đảo hiếu khách chính là một “đặc sản” thu hút du khách tới đây.

Anh Nguyễn Xuân Hiển là một trong số ít thanh niên quyết định ở lại lập nghiệp, góp phần xây dựng đảo quê hương. Trước đây anh chủ yếu mưu sinh nhờ đánh thủy hải sản ven đảo. Nhưng từ khi có nhiều du khách tìm đến Cù Lao Xanh, anh kiêm luôn nghề đưa khách đi khám phá đảo. Đón chúng tôi từ cầu tàu bãi trước, chàng thanh niên 30 tuổi có nước da ngăm đen cùng nụ cười hiền lành này nhiệt tình giới thiệu mọi ngóc ngách trên Cù Lao Xanh. Từ khu dân cư, chúng tôi lần lượt tham quan các địa danh nổi tiếng của đảo như: ngọn hải đăng hơn 100 tuổi, cột cờ Đảo thanh niên, bãi đá Thảo nguyên, lặn ngắm san hô tại khu Bãi sau... Thiên nhiên tươi đẹp nơi đây khiến cho du khách bị choáng ngợp, ấn tượng, thích thú.

Chú thích ảnh
Hải đăng Cù Lao Xanh. Ảnh: Ly Kha /TTXVN.

Anh Hiển cho biết: Trước đây đảo rất ít khi có người trong đất liền ra, nên dân trên đảo rất “thèm người”, ai cũng hiếu khách. Các dịch vụ, hàng quán, nhà nghỉ trên đảo còn rất hạn chế nên du khách đến với Cù Lao Xanh không phải để nghỉ dưỡng, mà chủ yếu là những người yêu thích du lịch "bụi", muốn khám phá các địa điểm còn mới mẻ. Sau một ngày tham quan, du khách thường cắm lều, đốt lửa trại, ăn hải sản tươi trên bãi biển. Bầu trời đêm đầy sao hòa trong tiếng sóng vỗ yên bình sẽ khiến du khách vơi bớt những lo toan, mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật. Ngoài ra du khách cũng rất thích thú khi lên các lồng bè nuôi mực trên biển vì họ có thể tự tay câu lên những con mực tươi và nướng ăn ngay tại chỗ.

Cũng là một trong những người đầu tiên chuyển “nghề” làm du lịch, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đức Trận lai theo một hướng đi khác. Nhận thấy nhu cầu ở lại qua đêm của du khách rất lớn, mà đảo lại không có nhà nghỉ, khách sạn nên cách đây 3 năm, vợ chồng ông đã sơn sửa, cải tạo chính căn nhà của mình trở thành dịch vụ lưu trú homestay đầu tiên trên đảo, đặt tên là Thiên Trận. Bây giờ nhà ông bà có khoảng 10 phòng cho khách thuê, mùa cao điểm du lịch thường xuyên kín phòng. Du khách đến với homestay Thiên Trận vì vị trí ngay tại cầu tàu rất dễ tìm, thiết kế giản dị và cũng vì chủ nhà hiếu khách.

Chú thích ảnh
Phong cảnh đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Ly Kha/TTXVN.

Ông Trận kể: Vợ chồng tôi luôn coi du khách như những người bà con xa đến thăm nhà, họ tới với đảo là mình mừng rồi. Khi khách có nhu cầu, chúng tôi mua những con mực, con cá tươi ngay tại cầu tàu rồi nấu cho họ những bữa ăn đơn giản theo kiểu của dân biển. Tuy nấu đơn giản nhưng vì đồ biển ở đây rất tươi nên du khách ăn rất ngon miệng, còn đóng hộp mua về làm quà nữa.

Gặp chúng tôi ở homestay Thiên Trận, anh Nguyễn Bá Dũng, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về chuyến đi 2 ngày trên đảo cùng nhóm bạn: “Mọi thứ rất tuyệt vời, rời xa chốn thành thị ồn ào, chúng tôi như lạc vào chốn thiên đường bình yên của đảo. Cảnh quan đẹp như trong các bộ phim quốc tế, cùng những người dân chân chất, thân thiện chính là điều khiến chúng tôi yêu mến nhất. Đảo chỉ cần giữ vững và phát huy những “đặc sản tự có” này thì cũng đã thu hút được những du khách trẻ ưa khám phá như chúng tôi.”

 

Chú thích ảnh
Phong cảnh đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Ly Kha/TTXVN.

Những tín hiệu vui

Tuy chỉ mới phát triển về du lịch, nhưng các năm qua “bộ mặt” xã đảo đã có nhiều thay đổi. Ông Phan Văn Binh, Chủ tịch UBND xã đảo Nhơn Châu (tên gọi hành chính của đảo Cù Lao Xanh) kể lại: “Nhiều năm trước, đảo được ví như “đảo của người già, trẻ em” vì các thanh niên lần lượt bỏ đảo vào đất liền làm ăn. Có năm dân số xuống dưới 2.000 người, đàn ông chủ yếu làm nghề chài lưới quanh đảo, phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, nên chúng tôi rất lo lắng vì nếu nguồn hải sản cạn kiệt thì bà con sẽ không có thu nhập. Rất may là cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch Bình Định, các năm gần đây lượng du khách trên cả nước đến đảo ngày một nhiều hơn. Nhờ vậy đời sống nhân dân cũng khấm khá hơn.”

Theo ông Binh, trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có gần 4.000 lượt khách du lịch lên đảo, hiện nay trên đảo có 6 homestay với gần 40 phòng nghỉ. Các hộ dân cũng làm thêm các dịch vụ dành cho khách du lịch như: Tour xe điện đi vòng quanh đảo, chèo thuyền thúng lặn ngắm san hô, tour câu mực đêm, tổ chức biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi... Nhận thấy khả năng làm kinh tế nên nhiều thanh niên sau khi học trong đất liền đã quay trở về đảo để góp tri thức xây dựng quê nhà. Cuộc sống trên đảo đã nhộn nhịp, đông đúc hơn chứ không còn trầm lắng như trước.

Chú thích ảnh
Ngọn hải đăng Cù Lao Xanh. Ảnh: Ly Kha/TTXVN.

Nhưng các dịch vụ du lịch trên đảo vẫn còn khá thiếu thốn, để phát triển du lịch bền vững, ổn định và xây dựng được thương hiệu du lịch Cù Lao Xanh thì còn rất nhiều việc phải làm. Anh Nguyễn Bá Quyền, Trưởng phòng lữ hành Trung tâm Quy Nhơn Discovery, một trong số những hướng dẫn viên đầu tiên khai phá và gắn bó với địa danh du lịch này chia sẻ: Cù Lao Xanh có vẻ đẹp tiềm ẩn, hoang sơ và rất tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng theo tôi nên có định hướng rõ ràng: hoặc là giữ nguyên các giá trị hiện có để tiếp tục phát triển theo hướng du lịch khám phá, trải nghiệm; hoặc là đầu tư thêm về cơ sở vật chất, hướng dẫn cho người dân cách làm du lịch chuyên nghiệp để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Không nên để phát triển các dịch vụ du lịch tự phát, mỗi người một kiểu, thiếu đồng bộ, sau này sẽ rất khó quy hoạch lại. Thêm nữa, hiện nay trên đảo vẫn chưa có lưới điện quốc gia, phải chạy bằng máy phát điện chung nên ban đêm không có điện, khá bất tiện cho khách du lịch.

Nếu được định hướng, quy hoạch phát triển du lịch hợp lý thì Cù Lao Xanh hoàn toàn có thể sánh ngang với những hòn đảo du lịch nổi tiếng trong khu vực như Cù Lao Chàm hay Lý Sơn. Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, kết hợp với tốc độ phát triển nhanh của ngành du lịch Bình Định những năm qua thì người dân nơi đây hoàn toàn có thể mong chờ một tương lai tươi sáng không xa.

Quốc Dũng
Ngất ngây với thảm lúa xanh mướt tại Thung lũng Mường Hoa
Ngất ngây với thảm lúa xanh mướt tại Thung lũng Mường Hoa

Cứ mỗi tháng 8 về, dân tình lại nô nức kéo nhau tới Sa Pa. Đi, để hòa mình vào thiên nhiên bất tận, trên những cung đường thơm mùi lúa mới. Đi, để ngắm thung lũng Mường Hoa mộng mơ và bát ngát, ngẩn ngơ trước những triền núi phủ mượt một màu xanh mướt rồi lại óng vàng. Một mùa lúa mới đã về Tây Bắc…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN