Thanh Hóa - Quảng Ninh - Ninh Bình là những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như: Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều di tích, danh thắng mang tầm quốc gia và khu vực, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không tương đối phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch quy mô, hiện đại, có khả năng đón, phục vụ khách du lịch cao cấp. Đặc biệt, ba tỉnh đều có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều Di sản Thế giới như Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Hệ thống các Di sản Thế giới này tạo nên sự khác biệt nổi trội so với những vùng khác trong cả nước. Bên cạnh đó, ba địa phương này còn có những bãi biển đẹp nổi tiếng như: Tuần Châu, Bãi Cháy, Vân Đồn (Quảng Ninh), Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa (Thanh Hóa); các Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia gồm: Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cúc Phương, Tràng An (Ninh Bình), Pù Luông, Bến En (Thanh Hóa)…
Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh còn được biết đến với những trò chơi, trò diễn dân gian, làm điệu dân ca, dân vũ vừa mang đậm bản sắc dân tộc, lại giàu sắc thái riêng như: Hát Xẩm, hát Mo, hát Đố (Ninh Bình), hát Soóng Cọ của đồng bào Sán Chỉ (Quảng Ninh), trò diễn Xuân Phả, múa đèn Đông Anh (Thanh Hóa)…
Ba địa phương đều có tiềm năng, thế mạnh và thị trường du lịch riêng. Trên cơ sở các nét nổi bật về vị trí địa lý, tiềm năng về văn hoá di sản, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, ba tỉnh có điều kiện lý tưởng để liên kết phát triển sản phẩm thế mạnh của vùng như: Du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, leo núi…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, sáng kiến hay trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, phát triển tiềm năng, thế mạnh riêng có... Các đại biểu nhấn mạnh đến việc xây dựng sản phẩm du lịch có sự liên kết vùng và định hướng thành "tuyến cứng", làm cơ sở cho doanh nghiệp lữ hành hình thành dòng sản phẩm chung giữa ba tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh. Đồng thời chú trọng công tác quảng bá du lịch, thông qua việc xây dựng slogan về liên kết du lịch ba tỉnh để cùng truyền thông đến người dân và du khách. Các ý kiến nêu bật vai trò quan trọng của doanh nghiệp lữ hành trong việc quảng bá sản phẩm, xây dựng tour, tuyến và đưa khách du lịch từ tỉnh này sang tỉnh khác; công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thông qua việc liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp…
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chỉ rõ: Việc phối hợp, hợp tác, liên kết giữa các địa phương làm du lịch là cần thiết, đây cũng đang là xu hướng tất yếu của du lịch bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong và ngoài nước. Vì thế, các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch ba tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết, kết nối giữa doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, giới thiệu thị trường, giới thiệu tour, tuyến du lịch… Có như vậy, việc liên kết mới giúp ba tỉnh làm được nhiều việc hơn, kết nối được nhiều "điểm đến" cho du khách trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Hoàng Thanh Phong cho rằng mỗi tỉnh có những thế mạnh riêng về du lịch, nếu biết liên kết sẽ có thể tạo ra một điểm đến chung, hỗ trợ nhau để thu hút du khách. Ngoài những cơ chế, chính sách chung rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp làm du lịch của 3 tỉnh, sao cho du khách khi đến Quảng Ninh sẽ được giới thiệu những tour, tuyến liên quan đến Thanh Hóa, Ninh Bình và ngược lại. Có như vậy mới làm tăng thời gian lưu trú của du khách khi họ được trải nghiệm các điểm đến, tour du lịch, loại hình du lịch khác nhau...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy đều cho rằng việc kết nối, hợp tác phát triển du lịch của ba tỉnh sẽ phát huy những thế mạnh riêng biệt để hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mới lạ và độc đáo. Đây là yêu cầu thiết thực và cấp bách hiện nay nhất là trong giai đoạn du lịch toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm du lịch tương đồng.
Thời gian tới, ba địa phương cần thống nhất phương án để phát triển du lịch "cùng nhau" như đặt pano quảng bá du lịch cho nhau tại các tỉnh, lựa chọn thị trường du lịch, hội chợ du lịch để ba tỉnh cùng tham gia... Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh cần thực sự bắt tay nhau không chỉ trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, hợp tác quảng bá, tổ chức sự kiện mà phải cùng nhau tạo ra sản phẩm đặc thù, không chồng chéo và có thể bổ trợ cho nhau.
Hội nghị hợp tác phát triển du lịch Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa là cơ hội để ba tỉnh tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng tour, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch để khai thác và chào bán tour du lịch cho du khách trong, ngoài nước. Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra ký kết hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa. 9 doanh nghiệp của các địa phương cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác liên quan.
Trước đó, trong các ngày từ 28-30/5, UBND ba tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa phối hợp tổ chức chương trình khảo sát khu, điểm du lịch tiêu biểu tại hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa như: Cố đô Hoa Lư, Khu Du lịch sinh thái Tràng An, phố đi bộ, Khu Bảo tồn gấu - Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Thành Nhà Hồ, Khu Du lịch Suối cá Cẩm Lương, Khu Du lịch cộng đồng Pù Luông, Lam Kinh, Khu Du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).