Ngày 12/4, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trường ĐH Hoa Sen tổ chức diễn đàn "Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019". Tham dự và chỉ đạo diễn đàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra còn có đại diện các Sở, ban ngành và hơn 300 đại biểu, diễn giả, chuyên gia ngành du lịch trong và ngoài nước.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018 ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, nhưng năng suất lại khá thấp, với chỉ 3.477 USD/năm/người. Trong khi đó ở Singapore, đất nước với số dân gần 5,9 triệu người nhưng có tới khoảng 80% làm trong ngành du lịch, mỗi lao động trong ngành tạo ra 47.713 USD/năm, gấp 15 lần Việt Nam; còn ở Thái Lan, mỗi lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu lẽ ra được coi là lợi thế của du lịch Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao, trong đó có chỉ tiêu về nguồn nhân lực. Dù tài nguyên du lịch có ưu đãi, nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp - điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng dịch vụ - thì sẽ vẫn còn lực cản cho sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ thêm, hiện nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng ncũng đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế ngành du lịch Việt Nam đang rất "khát" nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, từ sơ cấp đến đại học, riêng TP Hồ Chí Minh có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng và 19 trung cấp). Mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên… Khi ra trường, đa số sinh viên muốn làm được việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại ít nhất là 6 tháng và nhiều nhất 1 năm. Vì vậy, đây là bài toán khó cần sự vào cuộc của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đồng thời tiết kiệm chi phí ngân sách cho nhà nước khi đầu tư đào tạo nhân lực ngành du lịch hiện nay.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng nguồn nhân lực là một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và sự cạnh tranh của các quốc gia khác khi thực hiện thỏa thuận về di chuyển lao động tự do giữa các nước. Dù cho lợi thế về tài nguyên của Việt Nam được đánh giá cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ vượt trội, du lịch Việt Nam vẫn sẽ thiếu sức hút và sự cạnh tranh với các nước. Ngoài ra, nếu mỗi người dân không là một đại sứ du lịch thì việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành điểm đến có đẳng cấp khu vực, mà mỗi địa phương là một nhân tố quan trọng, vẫn là bài toán khó cần nhiều lời giải.
“Để phát triển nguồn nhân lực du lịch những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển ngành du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08, Chính phủ ban hành nghị quyết 03 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vai trò, vị trí của ngành du lịch ngày càng được khẳng định. Mặt khác, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường cần có kế hoạch quan tâm và đầu tư đào tạo ngắn hạn ở các khu vực trọng điểm du lịch vùng sâu, vùng xa, giáo dục du lịch sinh thái cộng đồng để phát triển du lịch bền vững cũng như mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân…”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Chỉ đạo và kết luận tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những câu hỏi và một số gợi ý chiến lược đối với các đơn vị, sở ngành, địa phương để cùng tìm ra giải pháp cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực được xác định là một trong ba đột phá chiến lược hàng đầu để đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Do đó, ngành du lịch cần nâng cao sức hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng trong nước và cả quốc tế. Phải có chế độ đãi ngộ nhân tài ra sao để thu hút nguồn nhân lực từ môi trường làm việc, văn hóa công ty… nước ngoài về đầu quân cho các doanh nghiệp Việt Nam; cần tạo ra môi trường làm việc minh bạch, tốt nhất cho nguồn nhân lực du lịch.
“Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược là ba yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực du lịch để góp phần xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn trong mắt du khách. Môi trường tạo nên con người, đầu vào quan trọng nhưng đầu ra cũng quan trọng, vậy doanh nghiệp, xã hội cần phải sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ khi mới ra trường. Sắp tới, phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sẽ đóng vai trò quyết định sự phát triển của du lịch của quốc gia đó, từ người dân bán hàng rong đến tài xế taxi… cũng có thể phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam trong mắt bạn bè. Cụ thể, khi đi du lịch ở Hội An, sáng sớm du khách vào xem đồ không mua cũng không sao nhưng ở nơi khác, du khách có thể bị chửi một phần do cách ứng xử giữa các vùng miền còn khác nhau. Hoặc giữa lúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đang diễn ra, có nhiều người dân Hà Nội sẵn sàng bưng bát nước chè ra cho phóng viên quốc tế cũng là hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam. Do đó, có rất nhiều bộ phận liên quan góp phần cho ngành du lịch Việt Nam phát triển chứ không chỉ doanh nghiệp, trường học”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.