Hơn 70% nhân lực CNTT trình độ cao cần đào tạo bổ sung

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ thiếu mà còn yếu so với yêu cầu nhân lực trình độ cao của các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định trường đại học và doanh nghiệp đã ký kết nhiều hợp tác, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.

Sinh viên còn thụ động
 

Chú thích ảnh
Toạ đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” thu hút sự quan tâm của rất nhiều trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp. Ảnh: L.S/Báo Tin tức

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỷ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực CNTT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.

Lý giải về vấn đề chất lượng của nguồn cung nhân lực CNTT, theo ông Phí Anh Tuấn, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh (từ AI, IoT, đến Blockchain…), tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ, các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu, kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên. Bởi vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo CNTT là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Từ thực tế đào tạo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, kỹ năng nghiên cứu độc lập hay tự học là những đòi hỏi cần thiết để sinh viên CNTT phát triển bản thân. Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”. Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và Tiếng Anh tốt, “kỹ năng” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…., mà điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía là Trường đại học - Doanh nghiệp - Nhà nước.

Tăng thời gian thực tập với công nghệ mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần 100.000 cử nhân CNTT, điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vấn đề đặt ra với các nhà trường đào tạo thế nào, doanh nghiệp thế nào, có nên chỉ là cho học bổng không?”

Chú thích ảnh
Hợp tác thực chất giữa cơ sở đào tạo - doanh nghiệp không phải chỉ có trao học bổng. Ảnh: L.S/Báo Tin tức

Nói về kinh nghiệm có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực CNTT trình độ cao và chia sẻ góp ý với các Trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, Đại diện lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Sam Sung là doanh nghiệp IT có 8 Công ty thành viên tại các tỉnh, thành và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển điện thoại tại Hà Nội.

Từ thực tế phối hợp với các Trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, doanh nghiệp này cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, các trường cần liên tục cập nhật công nghệ mới, đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng để sinh viên có thể tăng thời gian thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đã đến lúc tuy hai là một. Doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này”.
 

Minh Thy/Báo Tin tức
‘Hiến kế’ phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy
‘Hiến kế’ phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy

Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN