Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, với 11 tỉnh, thành phố, Đồng bằng sông Hồng là 1 trong 6 vùng du lịch của Việt Nam. Đây là vùng có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, tuy nhiên, việc nghiên cứu, khai thác giá trị văn hóa phi vật thể để phát triển các sản phẩm du lịch còn khiêm tốn
Hiện nay, nhu cầu phát phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa phi vật thể, đặc biệt gắn với những trò chơi, trò diễn dân gian là rất lớn. Do đó, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về Phát triển du lịch dựa trên phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng trong 2 năm qua.
Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển du lịch dựa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể. Mặc dù, trò chơi trò diễn dân gian có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần nâng cao giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi cộng đồng, dân tộc. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về phát huy các giá trị trò chơi, trò diễn cho các sản phẩm du lịch.
Chủ nhiệm đề tài, Thạc sỹ Nguyễn Thùy Vân (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) khẳng định, việc khai thác hiệu quả các giá trị trò chơi trò diễn dân gian nói riêng có thể góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, đây là những hoạt động góp phần tăng trải nghiệm cho khách du lịch, từ đó tăng sức hấp dẫn của điểm đến. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa đặc trưng đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, giá trị của trò chơi, trò diễn dân gian được khai thác trong hoạt động du lịch sẽ góp phần lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa dân gian đến khách du lịch và người dân địa phương. Thông qua du lịch, có thể góp phần bảo tồn, khôi phục trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc đang dần bị mai một hoặc có nguy cơ biến mất.
Các trò chơi, trò diễn dân gian chứa nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch gồm: Kéo co, đua thuyền, đấu vật, thả diều, cờ người, cờ tướng/cờ thẻ, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, vịt, lợn, đập niêu, chọi gà…
Theo chia sẻ của Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, cần tập trung làm rõ vấn đề hiệu quả của các trò chơi, trò diễn dân gian khi đưa yếu tố này vào trong các sản phẩm du lịch. Đây là một đề tài hay nhưng khó và có phạm trù rất rộng, liên quan đến nhiều yếu tố của lĩnh vực du lịch và đặc thù của văn hóa phi vật thể. Vì vậy cần phải bớt tính khoa học, tăng thêm tính thực tiễn trong các nội dung của đề tài nghiên cứu. Các trò chơi, trò diễn dân gian luôn có yếu tố đặc trưng là sự cạnh tranh thắng thua, tính bất ngờ và cộng đồng. Khi xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên giá trị của các trò chơi, trò diễn dân gian cần chú trọng đến luật lệ, quy tắc của các trò chơi.
Trò chơi, trò diễn dân gian thường gắn với các lễ hội và địa điểm tổ chức. Để khai thác trò chơi, trò diễn dân gian thành sản phẩm du lịch, phục vụ được với nhiều đối tượng du khách và các mùa du lịch trong năm thì phải tìm cách xóa bỏ được thời gian và không gian hạn định của việc trò chơi thường chỉ tổ chức trong các dịp lễ hội và gắn liền với một vài địa phương, địa điểm.
Chuyên gia du lịch lưu ý, không phải trò chơi, trò diễn nào cũng khai thác được thành sản phẩm du lịch vì nhiều trò chơi có yếu tố linh thiêng (tranh lộc, cướp lộc), có yếu tố văn hóa phồn thực nên có thể gây phản cảm nếu khai thác không khéo. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch gắn với trò chơi, trò diễn dân gian không thể đứng độc lập, nên cần xây dựng sản phẩm du lịch này cùng với các hoạt động khác như: Ẩm thực, trải nghiệm làng nghề, không gian văn hóa, là một nội dung hoạt động của tour ngắn ngày, tour liên kết du lịch theo tuyến…
Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thu nhận, cân nhắc và bổ sung để hoàn thiện hơn cho đề tài nghiên cứu khoa học về Phát triển du lịch dựa trên phát huy giá trị trò chơi, trò diễn dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng.