Liên quan đến việc trong mấy ngày gần đây, có hàng chục người dân đã tập trung đến trước cửa UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) để phản đối việc cấm họ không được bán hàng rong dọc bãi biển, ngày 24/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết: Vấn nạn hàng rong đã làm phiền hà du khách, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch “Kỷ cương - văn minh - thân thiện” của đô thị du lịch Sầm Sơn.
Do đó, ngay từ đầu mùa du lịch 2012, UBND thị xã Sầm Sơn đã phê duyệt và ban hành 6 phương án quản lí các dịch dịch vụ du lịch trên địa bàn, trong đó có việc xử lý bán hàng rong trên khuôn viên bãi biển, núi Trường Lệ.
Bãi biển Sầm Sơn là điểm đến của du khách trong dịp hè. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Ông Truyền cho rằng: Việc xử lý bán hàng rong sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện, do việc làm này đụng chạm đến quyền lợi của người dân lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 người dân nghèo lấy việc bán hàng rong làm kế mưu sinh ở Sầm Sơn. Nhưng việc cấm bán hàng rong chèo kéo du khách dọc bãi biển là chủ trương đúng của UBND thị xã Sầm Sơn.
Việc này sẽ đảm bảo môi trường du lịch văn minh, giảm sự phiền hà, bức xúc, khó chịu cho du khách khi nghỉ mát, tắm biển, dạo chơi và thăm quan. Đồng thời, hạn chế được cò mồi ép giá, ép khách, kích thích tạo nên sản phẩm du lịch mới, điểm buôn bán mới sầm uất để du khách được tự do mua sắm.
Do đó, ngay từ tháng 3 và tháng 4, thị xã Sầm Sơn đã tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện các phương án xử lý tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách dọc bãi biển. Đến đầu tháng 5 trở lại đây UBND thị xã cùng các xã, phường, các lực lượng ra quân xử lý một cách triệt để. Đó cũng là lý do làm một số hộ dân không đồng tình và kéo lên UBND thị xã để phản đối.
Theo thống kê của UBND thị xã Sầm Sơn, hiện trên địa bàn có 1.470 người bán hàng rong, tập trung ở các phường Trường Sơn, phường Trung Sơn, phường Quảng Tiến, xã Quảng Cư, phường Bắc Sơn. .. Hầu hết những người bán hàng rong đều không có nghề nghiệp ổn định, trình độ văn hóa thấp, một số còn không biết chữ, bán hàng cho du khách nếu chưa vừa lòng còn nói năng mất lịch sự...
Khi vào mùa du lịch, những đối tượng này chuyên bán những hải sản như mực khô, tôm khô, cua, mực, ghẹ... nhưng phần lớn đều là những mặt hàng không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng rong dọc bãi biển và đảm bảo tạo việc làm cho các đối tượng bán hàng rong sau khi nghỉ bán hàng, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các phường bố trí, vận động các hộ bán hàng rong chuyển đổi nghề nghiệp từ bán hàng rong sang bán hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ vào buổi tối dọc tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương. UBND thị xã khẳng định không thu bất cứ một khoản phí nào của các đối tượng này ngoài phí vệ sinh môi trường.
Thị xã cũng lên phương án bố trí cho những phụ nữ bán hàng rong trong độ tuổi lao động đi thu gom rác, lương 3 triệu đồng/tháng trong 3 tháng hè. Một số người già yếu khó khăn chuyên đi bán nước chè rong dọc bãi biển, cũng được UBND thị xã hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng trong 3 tháng hè từ quỹ phúc lợi xã hội...
Ngoài ra, UBND thị xã đã bố trí các điểm kinh doanh hải sản tươi sống vào các chợ hiện có và các tuyến phía Tây đường Nguyễn Du; dẹp bỏ dứt điểm 2 chợ cóc hải sản ở hai khu vực bến thuyền trong khu vực bãi tắm phường Trường Sơn và Trung Sơn; chỉ đạo Ban quản lý chợ Cột Đỏ, chợ Mới đầu tư tốt cơ sở hạ tầng cho các hộ tiểu thương vào kinh doanh.
Đồng thời yêu cầu UBND phường Bắc Sơn trước mắt kêu gọi doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản lý đầu tư tạm khu chợ thương mại và chợ đêm để kinh doanh hàng hải sản khô, tươi sống, hàng lưu niệm (trên cơ sở mặt bằng hiện có của khu thương mại đã được phê duyệt). UBND thị xã cũng yêu cầu tại những khu kinh doanh này phải đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tạo thành chợ mua sắm và chợ đêm thương mại sầm uất của phường, để thu hút các hộ bán hàng rong vào kinh doanh trong chợ.
Chính việc UBND thị xã kiên quyết dẹp bỏ dứt điểm 2 chợ cóc hải sản ở hai khu vực bến thuyền trong khu vực bãi tắm phường Trường Sơn và Trung Sơn, khiến cho một số hộ chuyên đi bán rong đồ hải sản ở phường Trường Sơn không đồng tình. Song theo quan điểm của UBND thị xã Sầm Sơn là vẫn là phải kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong dọc bờ biển, để xoá đi những hình ảnh không đẹp về khu du lịch này trong lòng du khách gần xa.
Hiện UBND thị xã đang phối hợp với UBND các xã phường, nhất là phường Trường Sơn để vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành các chủ trương của thị xã; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng cố tình vi phạm.
Hoa Mai