Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức trong ngày 11/4, rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã đến Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (trước đây tên gọi là Lâm viên Cần Giờ) để tham quan và trải nghiệm.
Với diện tích 2.215,45 ha, trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch, Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ có đầy đủ các loài sinh cảnh của một tiểu vùng mang tính đặc trưng nhất của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nơi đây còn khoanh nuôi được nhiều đàn khỉ với tổng số hơn 1.000 con, sống hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên và rất dạn dĩ với con người.
Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ rất được nhiều gia đình chọn làm điểm du lịch trong các ngày nghỉ để vừa có thể gần gũi với thiên nhiên vừa để về nguồn, bởi nơi đây từng là nơi các thế hệ cha, ông đã dùng làm căn cứ hoạt động trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả một số hình ảnh người dân TP Hồ Chí Minh về nguồn tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác:
Đến với Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, người dân như hoà mình vào với thiên nhiên.
Rất nhiều người dân khi đến đây đều thắp hương tưởng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh giành độc lập cho Tổ quốc.
Nằm bên trong Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác. Nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội đặc công Rừng Sác. Căn cứ đã được xây dựng và tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các cha ông khi xưa. Đây là điểm nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Rừng Sác được xem như “vùng đất chết” - nơi diễn ra 600 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 quân địch. Vì thế, có thể nói, Rừng Sác gắn liền với tên tuổi và ý chí chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10. Dù đã qua nhiều năm nhưng những chiến tích anh hùng của họ vẫn còn vang mãi đến các thế hệ mai sau. Hình ảnh tái hiện họp bàn mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè.
Ngày nay, trong khu di tích lịch sử vẫn còn các mô hình rải rác khắp nơi như: nhà quân y, nhà thông tin, xưởng quân giới… đều được mô phỏng, giúp du khách hiểu được cuộc sống của các chiến sĩ đặc công khi ấy và càng thêm yêu đất nước nhiều hơn.
Một du khách nhí tìm hiểu về nhà quân y.