Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch sôi nổi cũng đã diễn ra như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Nối miền Di sản; các điểm đến như: Phố cổ Hội An, các làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được đầu tư nâng cấp các loại hình dịch vụ đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách.
Riêng Khu du lịch Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, do thời tiết bất lợi, hàng nghìn du khách không thể đến đây để tham quan, nghỉ dưỡng. Điều này còn khiến cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ bơi, lặn biển, lưu trú và đồ lưu niệm của các hộ dân trên đảo Cù Lao Chàm bị ảnh hưởng không nhỏ.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhờ vậy tình trạng “chặt chém” giá dịch vụ đối với du khách đã không xảy ra. An toàn vệ sinh được đảm bảo, đặc biệt đã không xảy ra vụ tai nạn giao thông đáng tiếc nào đối với du khách trên tất cả các phương tiện, loại hình vận tải.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tổng lượng khách tham quan và lưu trú du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5/2022 đến Quảng Nam ước đạt 200.000 lượt, tăng hơn 155 % so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước đạt 8.000 lượt, tăng 233%, khách nội địa ước đạt trên 190.000 lượt, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021.
Công suất sử dụng phòng trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 70 -75%, trong đó, nhóm khách sạn từ 3-5 sao đạt từ 90- 95%. Riêng 2 ngày 30/4 và 1/5/2022, công suất sử dụng phòng của nhóm khách sạn từ 3-5 sao đạt 100%.