Quản lý du lịch mạo hiểm đang bị 'bỏ ngỏ'?

Những vụ tai nạn tại Lâm Đồng mới đây cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý du lịch mạo hiểm tại nước ta. Do vậy, Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm để sớm trình Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ban hành trong quý II tới.


Mất bò mới lo làm chuồng


Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), sau vụ tai nạn làm 3 khách du lịch Anh thiệt mạng tại thác Dantala (Lâm Đồng) cuối tháng 2/2016, Vụ Lữ hành và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo chuyên đề về quản lý du lịch mạo hiểm. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia vào cuối năm 2016, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành quy chế quản lý tạm thời với loại hình du lịch mạo hiểm.


“Tuy nhiên, việc áp dụng chưa nghiêm, dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc vào cuối tháng 2/2017 mới đây”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.


Hướng dẫn du khách quốc tế tham quan hang động tại Quảng Bình.

Điều này cho thấy, việc quản lý loại hình du lịch đặc thù, nhất là loại hình du lịch mạo hiểm còn đang nhiều “lỗ hổng”. Với địa hình đa dạng, Việt Nam được đánh giá là thiên đường của du lịch mạo hiểm. Trong 10 năm trở lại đây, loại hình du lịch này đang được một số doanh nghiệp lữ hành khai thác nhưng đến nay vẫn chỉ ở dạng manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp.


Loại hình du lịch mạo hiểm ở các nước phát triển là loại hình chuyên biệt, an toàn gần như tuyệt đối, huấn luyện viên và hướng dẫn viên đều có chứng chỉ hành nghề. Du khách khi tham gia phải kiểm tra sức khỏe, được huấn luyện và thực hành trước. Từ việc đóng bảo hiểm, trực cứu hộ cho đến trang thiết bị phải đảm bảo. Nhưng tại Việt Nam những yếu tố này hầu như không được làm tới nơi tới chốn, thậm chí bỏ qua để tiết kiệm chi phí dẫn tới việc mang lại rủi ro cho chính sự an toàn của du khách.


Ông Đặng Xuân Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Footprint cho biết: "Nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang cho rằng du lịch mạo hiểm là một loại tour thông thường và không có sự quan tâm, phân tích sản phẩm, địa điểm, thời tiết, các yếu tố văn hoá để tạo nên một sản phẩm và trang thiết bị nên rất chủ quan".


Để triển khai một tour du lịch mạo hiểm cần có sự tham gia của công ty lữ hành chuyên nghiệp. "Nhưng thực tế hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia loại hình này. Điều này dẫn đến việc quản lý các loại hình doanh nghiệp này đang còn nhiều lỗ hổng. Những công ty tự phát, không chuyên về du lịch mạo hiểm thường giảm chi phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ nhằm giảm giá thành tour. Khi giá rẻ sẽ đồng nghĩa với việc rủi ro cao. Do đó, phải xác định du lịch mạo hiểm là kinh doanh có điều kiện và cần có tiêu chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, phải kiểm tra định kỳ với các doanh nghiệp để đánh giá các thiết bị đó có thật sự an toàn”, ông Đặng Xuân Sơn cho biết.


Còn Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng Cục du lịch) cho biết: "Hiện chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn đối với loại hình du lịch mạo hiểm. Do đó, tại một số địa phương mỗi nơi quy định một kiểu, thậm chí buông lỏng trong việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tại nạn rất cao”.


Sẽ có Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Những hoạt động du lịch mạo hiểm trái phép đã dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm như tại Lâm Đồng và Lào Cai thời gian qua cho thấy du lịch mạo hiểm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tai nạn thương tâm. Điều này không chỉ tổn hại đến tính mạng, tài sản khách du lịch mà còn làm tổn hại hình ảnh du lịch Việt Nam. Trước mắt, các địa phương tăng cường chấn chỉnh loại hình kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn. Nếu địa phương không vào cuộc thì cơ quan quản lý Trung ương không thể làm thay được. Về phía Trung ương, Tổng cục Du lịch đã soạn thảo Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm trình Bộ VHTTDL ban hành. Thông tư đã hoàn thiện và ban hành trong quý II/2017".


“Các địa phương cần nghiên cứu đánh giá phát hiện khu điểm du lịch mạo hiểm, quy hoạch và quy định quản lý cụ thể. Ban hành quy định chung quản lý và quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ trong khu vực mạo hiểm đó và quy định cho khách tham gia vào loại hình du lịch mạo hiểm. Thực tế từ các vụ tai nạn du lịch mạo hiểm cho thấy bên cạnh quy định quản lý của nhà nước thì cũng cần có ý thức của khách khi tham gia cần tuân thủ an toàn tham gia loại hình này. Khách ưa thích du lịch mạo hiểm nên mua tour của công ty du lịch chuyên nghiệp, có thương hiệu để họ hướng dẫn cụ thể từ trang thiết bị, vừa an toàn giúp khách trải nghiệm khi tham gia loại hình đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết.


Thực tế cho thấy, một số loại hình chuyên biệt cần sớm đưa vào Luật Du lịch sửa đổi trình Quốc hội thông qua thời gian tới. Việc quản lý chặt chẽ với loại hình du lịch này sẽ không chỉ giúp Việt Nam có cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam mà còn đưa loại hình du lịch mạo hiểm thành thế mạnh của du lịch Việt Nam.


Bài, ảnh: Xuân Cường
Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm
Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) vừa có công văn gửi các tỉnh thành đề nghị “Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN