Phú Quốc - đảo ngọc tỏa sáng

Nhờ được đầu tư lớn, những năm gần đây, đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã phát triển mạnh mẽ - như một viên ngọc đã được rèn giũa, nơi vùng cực Nam tổ quốc. Được công nhận là đô thị loại II, “đảo ngọc” này đang trong tiến trình phát triển trở thành một thành phố biển du lịch thân thiện, văn minh và hiện đại, hướng đến khu kinh tế - hành chính đặc biệt. Đây là thành quả, ý chí chung sức, chung lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Quốc trong suốt chặng đường 40 năm, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975  -  30/4/2015).

Đời sống đổi thay

Nếu như thời điểm này năm trước, người dân Phú Quốc từng phút, từng giờ dõi theo dự án cáp ngầm xuyên biển 110 KV Hà Tiên - Phú Quốc hoàn thành đóng điện đúng vào dịp Tết Nhâm Ngọ 2014, thì năm nay là cái Tết thứ hai họ được sử dụng điện lưới quốc gia. Anh Lê Hồng Phúc, khu phố 5, thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) bày tỏ: “Tết năm rồi, người dân Phú Quốc vỡ òa niềm vui, hạnh phúc khi đón dòng điện quốc gia lần đầu tiên ra đảo mà nhiều người không tin đó là sự thật. Một năm qua, nhờ có điện lưới quốc gia ổn định, giá rẻ, không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết mọi người dân Phú Quốc có điều kiện phát triển sản xuất thuận lợi. Đảo ngọc Phú Quốc bừng lên sức sống mới, phát triển sung túc hơn, khách du lịch đến đông hơn”.

Cũng nói về sự đổi thay sau một năm có điện lưới quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Kiếm ở xã Gành Dầu, phấn khởi nói: “Bà con ở xã Gành Dầu chúng tôi rất đỗi mừng vui trước sự phát triển của đảo Phú Quốc. Chỉ mới năm trước đây thôi, mọi người đau đầu khi mua điện sử dụng với giá bình quân 25.000 đồng/kWh, nhưng cũng chỉ đủ để thắp sáng một, hai bóng đèn trong nhà và xem thời sự trên ti vi rồi tắt. Sau khi có điện lưới quốc gia, điều kiện sản xuất, đời sống sinh hoạt gia đình được nâng lên. Phú Quốc bây giờ không thua kém gì đô thị trong đất liền mà chỉ cách đây vài năm không ai dám nghĩ đến”.

Một góc bãi biển ở Phú Quốc.


Không chỉ có điện lưới quốc gia, giờ đây Phú Quốc còn có đường cao tốc Nam - Bắc đảo, thiên đường giải trí Vinpearl Phú Quốc, sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế An Thới; các khu đô thị mới; nhà hàng, khách sạn cao cấp, sang trọng... được đầu tư xây dựng, phát triển nhanh chóng để phục vụ người dân trên đảo và khách du lịch. Một “bộ mặt mới toanh và sáng sủa” đã trở thành “điểm nhấn” của khu vực phía Nam Tổ quốc.

Sự phát triển nhanh chóng của “đảo ngọc” đã kéo theo sự phát triển kinh tế của người dân huyện đảo. Chúng tôi đến thăm trang trại gà rẫy T - Q Phú Quốc của anh Vũ Ngọc Quảng (tổ 8, ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương, Phú Quốc) vào thời điểm cuối năm khi anh đang chăm sóc đàn gà hơn 15.000 con phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Niềm nở tiếp khách, anh Quảng cho biết đây là giống gà nòi bản địa có sẵn tại Phú Quốc được nhân nuôi, phục vụ khách du lịch khi đến đảo ngọc như một đặc sản của đảo. “Tết này gia đình tôi có nguồn thu nhập khá và Phú Quốc không lo thiếu thịt gà để đãi khách”, anh tươi cười cho biết. Sản phẩm thịt gà sạch với thương hiệu “Gà rẫy T - Q Phú Quốc” đã được nhiều người biết đến, nhất là khách du lịch đến đảo ngọc. Nhiều nhà hàng, khách sạn ở các khu du lịch Phú Quốc đưa món “Gà rẫy T - Q Phú Quốc” vào thực đơn phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Đảo ngọc nở hoa

“Phú Quốc đang khoác trên mình chiếc áo mới tinh tươm, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng hiện đại. Huyện tiếp tục triển khai nhiều chương trình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, một số tập đoàn lớn ở nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và bước đầu họ hài lòng về chính sách thu hút đầu tư vào Phú Quốc”, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, phấn khởi nói về sự đổi thay trên đảo ngọc Phú Quốc.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, đồng hành cùng chặng đường lịch sử 40 năm xây dựng, phát triển đất nước, nhất là những năm gần đây, Phú Quốc chắt chiu từng đồng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hài hòa đô thị gắn với bảo tồn cảnh quan tự nhiên của rừng, biển, sông, suối... để trở thành điểm du lịch sinh thái biển - đảo nổi tiếng, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài vận dụng linh hoạt cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi của Trung ương, Phú Quốc có nhiều cách làm sáng tạo thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lớn mạnh, tăng thêm sức mạnh nội lực trong chiến lược phát triển của mình.

Nhà tù Phú Quốc, nơi trưng bày nhiều tội ác chiến tranh, được đông đảo du khách tham quan.


Hiện nay, kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc có sự phát triển vượt bậc, diện mạo thay đổi đáng kể. Các dự án, công trình hạ tầng cơ sở quan trọng như: trục chính giao thông Nam - Bắc đảo và hệ thống đường vòng quanh đảo; sân bay quốc tế Phú Quốc; cảng biển quốc tế An Thới; cáp ngầm 110 KV Hà Tiên - Phú Quốc; quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc và nâng cấp, chỉnh trang đô thị... với tổng vốn đầu tư xây dựng hàng trăm ngàn tỷ đồng. Hòn đảo ngọc này đến nay đã thu hút gần 200 dự án đầu tư, trong đó đã có 136 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 140.215 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2014, kinh tế của huyện phát triển ổn định, GDP tăng gần 27% so với năm 2013, bình quân thu nhập hơn 4.000 USD/người/năm, thu hút hơn 586.000 lượt khách đến tham quan, du lịch (trong đó khách quốc tế trên 124.500 lượt người, tăng 32%).

Có thể nói, Phú Quốc hiện nay đã hội đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, trở thành điểm nhấn kinh tế - xã hội, tạo sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển.

Phát triển xứng tầm

Huyện đảo Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan có diện tích tự nhiên hơn 593 km², bao gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc với diện tích khoảng 567 km² được mệnh danh là đảo Ngọc.

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc đang nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, vận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn diện trong xây dựng, phát triển Phú Quốc trở thành một thành phố biển thân thiện, văn minh và hiện đại, xứng với tên gọi “đảo ngọc Phú Quốc”, tạo đà phát triển trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trong tương lai.

Theo ông Lâm Minh Thành, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc, lộ trình từ nay đến năm 2020, Phú Quốc tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Theo đó, Phú Quốc hoàn thiện công tác quy hoạch để làm cơ sở cho triển khai các dự án đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Tập trung huy động nguồn lực đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như: hệ thống giao thông đường bộ, nguồn và hệ thống cấp điện, nguồn và hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý rác thải và nước thải... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đảo Phú Quốc. Năm 2015, Phú Quốc tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch theo định hướng của Chính phủ, từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao, trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành một số dự án của các nhà đầu tư, nhất là tại khu phức hợp Bãi Trường để hình thành một số cơ sở du lịch cơ bản đáp ứng cho nhu cầu trước mắt, tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án và thu hút khách du lịch.

Còn nhớ, trong chuyến về thăm và làm việc với huyện đảo Phú Quốc vào tháng 8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Huyện đảo Phú Quốc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và chiến lược quốc phòng - an ninh không chỉ đối với Kiên Giang mà còn đối với cả nước. Phú Quốc cần phát huy thế mạnh và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, du lịch; phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phát triển du lịch là khâu đột phá cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt. Cần quan tâm đầy đủ đến phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ cho được vẻ đẹp cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa trên đảo ngọc. Việc xây dựng Phú Quốc thành “đặc khu kinh tế - hành chính”, Bộ Chính trị đã bàn và cho ý kiến về chủ trương, Chính phủ đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, quyết định quy hoạch phát triển mới”.


Bài và ảnh: Lê Huy Hải

Bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc
Bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc được các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN