Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển Phú Quốc được các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm. Nguồn tài nguyên quýVùng biển Phú Quốc được đánh giá là một ngư trường giàu có với trữ lượng lớn các loài thủy sản: Tôm, mực, ghẹ, trai ngọc, hải sâm… Bên cạnh đó, vùng biển này còn có những rạn san hô và thảm cỏ biển, là những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, có giá trị lớn về kinh tế, khoa học và môi trường. Để bảo vệ tính đa dạng sinh học, nhất là những rạn san hô và thảm cỏ biển, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo tồn, tổ chức khai thác giá trị tài nguyên và môi trường vùng biển này theo đúng quy định của pháp luật.
Rừng bần tạo thành “bức tường xanh" bảo vệ cư dân vùng ven biển xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Huy Hoàng – TTXVN |
Diện tích các rạn san hô trong Khu bảo tồn biển được phân bố đều khắp và đang ở trong trạng thái tương đối tốt. Theo ghi nhận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, vùng biển Phú Quốc có hàng trăm loài san hô thuộc cả hai nhóm san hô cứng và san hô mềm, tổng diện tích khoảng 480 ha, phân bố trên 21 điểm và chủ yếu tập trung ở quanh các đảo trong địa phận xã Hòn Thơm. Bên cạnh đó, Phú Quốc là một trong những vùng biển có sự phân bố của thảm cỏ biển. Tại đây có 9 loài cỏ biển, phân bố chủ yếu ở vùng biển thuộc hai xã Hàm Ninh và Bãi Thơm với tổng diện tích hơn 10.000 ha.
Các thảm cỏ biển và rạn san hô là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thức ăn và nguồn sống cho các loài hải sản. Môi trường nơi đây là điều kiện cư trú lý tưởng và nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho các loài động vật sống ở biển. Nơi đây có 152 loài cá sinh sống ở các rạn san hô và 50 loài cá sống ở các thảm cỏ biển. Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá mú, cá mó, cá dìa, cá hồng… Ngoài ra còn có hàng trăm loài tảo biển, rong biển, da gai… Đặc biệt, nơi đây còn có dugong (bò biển), rùa biển, cá heo… là những loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ.
Nỗ lực bảo tồnVới tiềm năng về hệ sinh thái, đa dạng sinh học quý giá như vậy, việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn này là một vấn đề vô cùng trọng yếu đối với tỉnh Kiên Giang và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc được đánh giá là tương đối tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của việc khai thác hải sản của người dân và ảnh hưởng của thời tiết, một số rạn san hô và thảm cỏ biển đang dần bị hủy hoại. Mặt khác, nạn đánh bắt hải sản trái phép cũng là mối lo ngại lớn, tình trạng đánh bắt dugong, rùa biển… vẫn thường xuyên diễn ra, dần đưa các loài này đến nguy cơ tuyệt chủng, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực để bảo vệ và phát triển các sinh cảnh, phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch biển ở Phú Quốc.
Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc đã nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách để bảo vệ san hô và thảm cỏ biển như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội; xây dựng các bộ quy tắc của Khu bảo tồn biển; phối hợp với Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn biển Phú Quốc; nghiên cứu, đánh giá sự suy giảm và tiến hành một số biện pháp chuyên môn khoa học phục hồi rạn san hô và thảm cỏ biển ở các khu vực bị hủy hoại… Những nỗ lực đó bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tình trạng người dân đánh bắt trái phép các loài động vật quý hiếm vẫn thường xuyên diễn ra, hàng năm vẫn có nhiều cá thể dugong, rùa biển bị đánh bắt. Công tác tuần tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn vì Ban quản lý khu bảo tồn đến nay vẫn chưa có tàu tuần tra và cũng không có chức năng xử lý những vụ việc trên. Ban quản lý rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức trong công tác bảo tồn tại vùng biển này.
Trường Giang