Phát triển làng nghề truyền thống bền vững gắn với du lịch

Thành phố Huế còn gìn giữ nhiều nghề, làng nghề truyền thống với những sản phẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc. Để phát triển bền vững, thành phố chú trọng bảo tồn nghề, làng nghề gắn với các hoạt động du lịch, góp phần lan tỏa, mở rộng thị trường cho sản phẩm thủ công truyền thống và hình thành nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. 

Tiềm năng phong phú

Chú thích ảnh
Hoa giấy Thanh Tiên phong phú về màu sắc, hình thức đẹp và đều được làm thủ công. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa) là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong không gian làng quê yên bình, du khách được tham quan, tìm hiểu về làng nghề có truyền thống hơn 300 năm là những trải nghiệm khó quên.

Chị Clémence Naure, du khách đến từ Pháp chia sẻ, những sản phẩm hoa giấy thủ công nơi đây rất độc đáo và đẹp mắt. Đặc biệt, chị đã có những trải nghiệm thú vị khi được tự tay thực hiện các công đoạn làm hoa giấy dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và thân thiện của người dân.

Ông Nguyễn Hóa, người dân phường Dương Nỗ chia sẻ, những năm gần đây, nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đã đến tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống. Trong đó, hàng chục đoàn học sinh ở các trường học trên địa bàn và địa phương lân cận đến tham quan, hoạt động ngoại khóa. Nhờ vậy, người dân đã có việc làm quanh năm trong khi trước đây chỉ sản xuất vào mỗi vụ Tết, góp phần nâng cao thu nhập để người dân tiếp tục gắn bó và hồi sinh làng nghề đã có lúc đối diện nguy cơ mai một. 

Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ Nguyễn Văn Trai cho biết, phường có nhiều nghề, làng nghề truyền thống như hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, hoa tre Tiên Nộn… Bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề, ngoài việc quảng bá, giới thiệu các làng nghề, địa phương đã tuyên truyền người dân mở các cơ sở nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho khách tham quan du lịch về trải nghiệm. Đồng thời tổ chức các lớp truyền nghề, vận động người dân không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo các sản phẩm lưu niệm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Huế là địa phương có số nghề, làng nghề cao nhất trong cả nước, với 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ. Đến nay, UBND thành phố Huế đã công nhận 37 nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; có 41 người được công nhận là nghệ nhân. Đây là những di sản văn hóa, tiềm năng quý giá để thành phố Huế phát triển du lịch làng nghề. 

Huế đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên đặc trưng của làng nghề Huế. Đến nay, toàn thành phố có 27 làng nghề đã hình thành các tour tuyến kết hợp hoặc riêng lẻ phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm làng nghề. Hằng năm, Huế đón khoảng hơn 450.000 lượt khách đến với loại hình du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông thôn ước đạt 85 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng.

Đặc biệt, nhằm tôn vinh, quảng bá tinh hoa nghề truyền thống, thành phố Huế đã tổ chức 9 kỳ Festival nghề truyền thống, góp phần hồi sinh, phát triển nhiều nghề và làng nghề truyền thống, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân. Nhiều nghề và làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, tăng năng lực sản xuất, xúc tiến thương mại, hình thành điểm đến thu hút các chương trình du lịch như: Làng nghề mây tre đan Bao la, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, hoa giấy Thanh Tiên, đúc đồng Phường Đúc, gốm Phước Tích...

Chú thích ảnh
Festival làng nghề Huế góp phần hồi sinh làng nghề. Ảnh tư liệu: Tường Vi/TTXVN

Một số địa phương đã đầu tư cải thiện cảnh quan, môi trường; hỗ trợ hoạt động sản xuất nghề, đào tạo nghề và kết nối các sự kiện văn hóa du lịch tại các nghề, làng nghề truyền thống như: Lễ hội Chợ quê ngày hội - Cầu ngói Thanh Toàn; Lễ hội Hương xưa làng cổ gắn làng nghề gốm Phước Tích và mộc Mỹ Xuyên; Lễ hội Sóng nước Tam Giang; Ngày hội vùng cao A Lưới tái hiện nghi lễ cúng dâng Zèng của dân tộc Tà Ôi,….

Phát triển du lịch làng nghề bền vững

Những năm gần đây, Huế quan tâm, chú trọng định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch. Các làng nghề cũng chủ động thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của thành phố để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch gắn với làng nghề và kết nối tour tuyến, đưa du khách về các làng nghề còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc phát triển du lịch làng nghề còn mang tính tự phát; số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn ít; việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu; chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch và các đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó, các sản phẩm phục vụ du lịch còn ít và đơn điệu; nhận thức về cách làm du lịch của người dân tại các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế,...

Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Huế cho biết, để tiếp tục khai thác phát triển nghề, làng nghề gắn với các hoạt động du lịch theo hướng bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch chi tiết và xây dựng một số mô hình điểm về nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân tại các làng nghề. Ngoài ra, Huế đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng làng nghề; phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm… gắn với phát triển du lịch, đảm bảo chất lượng, tiện nghi đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Chú thích ảnh
Sản phẩm nón lá của làng nghề truyền thống Vân Thê được nhiều người biết đến thông qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Tháng 10/2024, Huế đã phê duyệt Đề án “Định hướng Phát triển du lịch nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2022-2030”, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch làng nghề để đa dạng sản phẩm du lịch, góp phần tạo bước đột phá, hướng đến xây dựng du lịch dần trở là ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án tập trung đầu tư hạ tầng phát triển các điểm du lịch; hỗ trợ xây dựng phát triển sản phẩm, hỗ trợ tập huấn, đào tạo 4; hỗ trợ xúc tiến quảng bá; quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại các làng nghề.

Phát triển bền vững du lịch làng nghề truyền thống góp phần gìn giữ văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương. Huế chú trọng đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, nâng cao thương hiệu, chuyển đổi số ở làng nghề; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường qua các hội chợ thương mại, triển lãm, kênh thương mại điện tử. Đồng thời hình thành cơ chế chính sách, phân bổ hợp lý các nguồn vốn cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các làng nghề. 

Huế cũng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị sản phẩm làng nghề; phát triển mạng lưới liên kết làng nghề để hỗ trợ sản xuất, quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch. Các làng nghề đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm kết hợp với hoạt động du lịch nhằm tạo sản phẩm đặc trưng, chất lượng.

Tường Vi (TTXVN)
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng hơn 100 năm tuổi ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lại nhộn nhịp bước vào vụ sản xuất Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN