Hoàng Thành Thăng Long
Kỳ nghỉ lễ 2/9, du khách có thể đến thăm Hoàng thành Thăng Long, hòa mình vào chuyến đi trở về cội nguồn và khám phá những công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua các triều đại.
Những du khách đam mê tìm hiểu về lịch sử, cổ vật có thể đến khu vực sân Đan Trì với những nền móng khảo cổ được khai quật, Điện Kính Thiên- nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài, thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự; tham quan phòng trưng bày triển lãm “Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời” (nơi lưu giữ đôi nét nét cổ xưa giao thoa với những nét hiện đại của thành Hà Nội giai đoạn năm 1802 – 1945); triển lãm “Từ lòng đất đến bảo tàng – Hành trình của hiện vật” (giới thiệu nhiều hiện vật tương đồng của di sản Hoàng thành Thăng Long và Toulouse (Pháp), diễn giải hành trình đưa hiện vật tới công chúng…)
Với những du khách yêu thích chụp ảnh với phong cách cổ xưa, không thể bỏ lỡ cơ hội khoác lên mình những bộ áo dài, việt phục và phụ kiện, thỏa thích check-in tại Đoan Môn (cổng chính dẫn vào Cấm thành), con đường đèn lồng rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, dịp lễ 2/9, du khách có thể xem trình diễn múa rối nước miễn phí trong 2 ngày 1/9 và 2/9, buổi sáng từ 9 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 15 giờ - 16 giờ.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng gốm Bát Tràng
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tọa lạc tại số 66 Nguyễn Thái Học (TP Hà Nội). Đây không chỉ là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn nổi tiếng bởi tòa nhà lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Dịp lễ Quốc khánh năm nay, du khách có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và tham gia workshop "Sáng tạo cùng giấy giang", tìm hiểu về loại giấy được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Mông và thử làm những chiếc đèn lồng độc đáo vào các ngày 31/8 và 1/9.
Bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng trên một khu đất rộng thuộc địa phận số 28, thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Nơi đây thu hút du khách bởi kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay- một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Không gian bảo tàng được chia thành 6 tầng (6 khu trải nghiệm khác nhau) với những tác phẩm gốm bắt mắt, những trải nghiệm thú vị khi hóa thân thành nghệ nhân gốm, tự tay nhào nặn một sản phẩm gốm của riêng mình… Dịp nghỉ lễ 2/9 này, du khách có thể cùng bạn bè, người thân đến trải nghiệm làm gốm và lưu giữ nhiều kỷ niệm bên nhau.
Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km. Tại đây du khách sẽ có những trải nghiệm phong phú về sắc màu văn hoá các dân tộc, thưởng thức món ngon vùng miền, check- in nhiều không gian mới lạ của nhiều dân tộc. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, Ban Quản lý Làng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tổ chức khu trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” từ ngày 31/8 đến 2/9 gồm 30 gian hàng cách điệu mang nét kiến trúc và hình ảnh làng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Khu trưng bày được bố trí theo 5 phân khu bao, gồm: Khu giới thiệu di sản văn hóa, trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh; khu trình diễn nghề, trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống; khu vực quảng bá, xúc tiến, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch; Khu trình diễn rối nước Đồng Ngư, trò chơi kéo co Hữu Chấp; khu giới thiệu đặc sản, nông sản, ẩm thực truyền thống…
Bên cạnh đó là các chương trình hoạt động như: Tái hiện chợ phiên vùng cao - Vui Tết độc lập; Giới thiệu nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên; Trình điển giã bánh dày của dân tộc Mông, tỉnh Thái Nguyên từ ngày 31/8 - 3/9...
Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), cách Hà Nội khoảng 45 km, là một ngôi làng cổ lâu đời, vẫn giữ trọn vẹn những đặc trưng cơ bản của làng quê Bắc Bộ, với giếng nước, gốc đa, sân đình, con đường gạch, tường đá ong… Dịp nghỉ lễ năm nay, du khách có thể cùng gia đình đến thăm làng cổ, khám phá những nét kiến trúc cổ xưa, thưởng thức những món ăn đặc sản của xứ Đoài.
Cùng với đó trải nghiệm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật trên những viên ngói, chỉ với bột màu, đất nặn; trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống… Đáng chú ý từ tối 31/8, tại cổng làng cổ sẽ trưng bày những chiếc đèn Trung thu khổng lồ được tạo hình theo các nhân vật lịch sử, con vật. Du khách đến dịp này có thể chiêm ngưỡng và check- in cùng những chiếc đèn khổng lồ này.
Khu du lịch sinh thái Thiên Sơn Suối Ngà
Sau những ngày làm việc vất vả, dịp nghỉ lễ 2/9 này, du khách có thể cùng gia đình, bạn bè đến khu du lịch sinh thái Thiên Sơn Suối Ngà (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), cách Hà Nội khoảng 60 km. Tại đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh “sông nước hữu tình”, mà còn được sống trong bầu không khí trong lành, xanh mát của cỏ cây, hoa lá. Bên cạnh đó, trải nghiệm những kiến trúc đậm văn hóa Việt, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các trò chơi gần gũi với tuổi thơ như đạp vịt, thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon như: canh rau sắn nấu cá suối, bánh tẻ Phú Nhi, cơm lam Mường…
Khu du lịch Dê Trắng Farm
Khu du lịch Dê Trắng Farm (thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những không gian làng quê thanh bình, thu hút nhiều gia đình đến trải nghiệm.
Kỳ nghỉ lễ 2/9, du khách có thể đưa gia đình, các em nhỏ đến trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân tại các vùng quê; gắn kết gia đình qua những trò chơi dân gian vui nhộn; tìm hiểu những loài động vật như: dê, đà điểu, ngựa,... Đặc biệt, du khách có thể tự mình thực hiện các công việc của những người nông dân thực thụ như: cho gà ăn, cưỡi ngựa, câu cá, vắt sữa dê,...