Lung linh sắc hoa Tớ Dày - mùa Xuân sớm nơi rẻo cao Tây Bắc

Đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải dài cao vút đến lưng trời cùng với sự thuần khiết của một loài hoa rừng mang tên Tớ Dày hay còn gọi là “hoa đào rừng” báo hiệu mùa Xuân sớm nơi rẻo cao Tây Bắc.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày là thứ "đặc sản" riêng của núi rừng Tây Bắc và Mù Cang Chải thu hút du khách và làm say đắm lòng người mỗi dịp tết đến, xuân về.

Những ngày cuối tháng 12, khi hơi ấm mùa Xuân đang dần xua đi cái lạnh giá của mùa Đông cũng là lúc báo hiệu một mùa hoa Tớ Dày nở đỏ rừng. Chạy dọc theo Quốc lộ 32 từ huyện Than Uyên (Lai Châu) qua đèo Khau Phạ xuôi về Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhìn lên các triền đồi, lưng chừng núi - nơi định cư của bản làng người Mông nơi đâu cũng thấy sắc hồng rực rỡ của hoa Tớ Dày. Những chùm hoa lung linh khoe sắc dưới nắng Xuân tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trên mảnh đất Mù Cang Chải.

Tớ Dày là loại hoa rừng thuộc họ hoa đào, người Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “Pằng tớ dảy” dịch theo nghĩa tiếng Việt là “hoa đào rừng”. Loại hoa này chỉ có năm cánh hồng với nhụy dài, nở thành từng chùm vào đầu mùa Xuân, mộc mạc như tình đất, tình người vùng cao. Đây là loại hoa đặc trưng ở vùng núi phía Tây Bắc, trong đó có huyện Mù Cang Chải. Là "đặc sản" của vùng đất này, mỗi khi mùa Xuân tới, hoa nở đỏ cả một cánh rừng, làm say đắm lòng người.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày được người dân La Pán Tẩn trồng quanh nhà.

Theo đồng bào ở đây, khoảng 300 năm trước, khi người Mông đến định cư trên mảnh đất này đã có loại cây Tớ Dày. Người Mông sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng thu hoạch xong, nhìn lên đã thấy những cây Tớ Dày nở hoa đỏ thắm núi rừng. Đây cũng là lúc những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới cùng nhau luyện tập điệu khèn, chuẩn bị quả Pao để chơi Tết, du Xuân dưới tán hoa Tớ Dày lung linh trong nắng gió.

Anh Giàng A Dê, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch Helo Mù Cang Chải cho biết, anh tự hào khi được sinh ra và lớn lên cùng vẻ đẹp của hoa Tớ Dày. Với mong muốn nhiều du khách biết đến vẻ đẹp hoang sơ của loài hoa này, anh đã xây dựng các tour, tuyến và tăng cường  quảng bá trên các trang mạng xã hội... Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày. Đây là dịp để anh trực tiếp đưa du khách đi khám phá và trải nghiệm những cảnh quan đẹp nhất của vùng cao Mù Cang Chải.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày thường nở vào cuối năm dương lịch trước hoa đào khoảng một tháng.
Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày có một vẻ đẹp riêng và quyến rũ.

Chị Nguyễn Thị Phương (du khách đến từ Hải Phòng) chia sẻ, là người đam mê du lịch, chị và những người bạn thường xuyên có những chuyến đi dài ngày ở vùng Tây Bắc. Đây là lần thứ ba chị quay lại Mù Cang Chải để được ngắm vẻ đẹp hoa Tớ Dày. Chị thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp lung linh của sắc hoa này ở khắp các cánh rừng và cả bên hiên nhà hay trong vườn của đồng bào Mông nơi đây.

Tớ Dày đã trở thành một trong những biểu tượng đặc biệt của vùng đất vốn khắc nghiệt mỗi khi mùa Đông đến. Khi nhiệt độ ở đây có những lúc xuống dưới âm độ C, xuất hiện băng giá phủ trắng trên sườn đồi, sức sống của cây Tớ Dày vẫn mãnh liệt lạ thường, rực rỡ khoe sắc, lung linh giữa không gian rộng lớn, khiến cho cái lạnh của mùa Đông tan biến. Thời điểm hoa nở rộ, nhuộm hồng các đỉnh núi kéo dài từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 dương lịch. Loài hoa này như một biểu tượng báo hiệu mùa Xuân, báo hiệu cho một vụ mùa mới.

Ông Giàng A Sầu, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, địa phương là một trong những nơi có nhiều cây hoa Tớ Dày nhất ở Mù Cang Chải. Để bảo vệ loài hoa này, xã đã tuyên truyền, vận động bà con không được chặt phá, đồng thời trồng thêm cây mới, tích cực bảo vệ những diện tích rừng xung quanh. Xã mong muốn, thời gian tới, huyện sẽ quan tâm đưa địa phương trở thành điểm du lịch mới tại Mù Cang Chải.
 

Chú thích ảnh
Nam thanh, nữ tú người Mông xã La Pán Tẩn cùng nhau chơi trò chơi ném còn dưới gốc hoa Tớ Dày.

Lễ hội hoa Tớ Dày sẽ khai mạc vào ngày 24/12/2022 với nhiều hoạt động như: điểm cảnh tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày; triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc thắm hoa Tớ Dày”; tổ chức giải đánh quay người Mông huyện Mù Cang Chải, “Hành trình săn mây - Khám phá hoa Tớ Dày Mù Cang Chải”; các tour du lịch trải nghiệm ngắm hoa Tớ Dày… Đây là lần đầu tiên huyện Mù Cang Chải tổ chức lễ hội này.

Cùng với đó, chợ xuân Mù Cang Chải diễn ra với nhiều hoạt động thu hút du khách như: trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, văn hóa, ẩm thực các dân tộc trên địa bàn; các gian hàng phục vụ Tết, Xuân, trưng bày các sản phẩm đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đảm bảo hàng hóa phục vụ du khách trong suốt thời gian lễ hội... Các hoạt động chào Xuân 2023 tại huyện Mù Cang Chải sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật chủ đề “Sắc Xuân Mù Cang Chải” với màn diễu diễn đường phố chủ đề “Người Mông xuống phố vui Xuân”, Lễ hội giã bánh giầy năm 2023; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố, ném còn, ném pao, hát giao duyên, múa khèn...

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh, năm 2022 là năm đầu tiên địa phương tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày. Đây là một trong những hoạt động trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải. Đồng thời, Lễ hội là dịp để địa phương quảng bá những bản sắc của dân tộc Mông ở Mù Cang Chải. Sau lần đầu tổ chức, huyện phấn đấu đây sẽ trở thành lễ hội thường niên, có thương hiệu riêng để thu hút khách du lịch hàng năm, góp phần phát triển du lịch vùng cao.

Mùa hoa Tớ Dày nở là lúc núi rừng Mù Cang Chải khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ, báo hiệu một mùa Xuân đang về. Cùng với vẻ đẹp thuần khiết, cây Tớ Dày còn có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; giúp đồng bào Mông phát triển du lịch gắn với mục tiêu bảo vệ rừng ở vùng cao Mù Cang Chải.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Liên kết khai thác hiệu quả tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc
Liên kết khai thác hiệu quả tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc

Ngày 23/12, tại Lai Châu, Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 đã được tổ chức. Nhiều giải pháp và cách làm mới đã được thực hiện để đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN