Năm 2023, Khánh Hòa đón hơn 7 triệu lượt du khách. Mục tiêu năm 2024 của địa phương là phấn đấu đạt 9 triệu lượt khách. Để trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, Khánh Hòa cần có kế hoạch toàn diện để phát triển ngành du lịch lâu dài và bền vững; trong đó, “du lịch xanh” là điều kiện tiên quyết để Khánh Hòa đạt được mục đích này.
Nhiều thuận lợi để phát triển "du lịch xanh"
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế (TIES) và Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO (nay là Du lịch Liên hợp quốc - UN-Tourism), khái niệm du lịch xanh được hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì cuộc sống của người dân địa phương một cách bền vững.
Tại Việt Nam, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh đã định nghĩa: “Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”. Du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao, có ý thức và hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Trên phương diện quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận xét: “Khánh Hòa có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng nhiều bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển.
Phát triển du lịch xanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, lợi thế kinh tế biển để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế, xã hội và môi trường, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa đánh giá, không chỉ có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, Khánh Hòa còn là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa lâu đời, những công trình kiến trúc độc đáo như Tháp Bà Ponagar huyền thoại có lịch sử trên dưới 1.000 năm, thành cổ Diên Khánh, các đình, chùa, văn miếu...; các cơ sở nghiên cứu khoa học nổi tiếng như Viện Hải dương học, Viện Pasteur Nha Trang - gắn liền với những di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Alexandre Yersin.
Đây là địa phương đa dạng về văn hóa với nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian như: Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Tháp Bà, Lễ hội Bỏ mả của người Raglay đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra địa phương còn có nhiều làng nghề truyền thống (dệt chiếu cói, nghề gốm…).
Hiện, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.180 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 64.000 phòng. Trong đó, số lượng phòng của khách sạn 4-5 sao chiếm đến 40%, gắn với những thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới như: InterContinental, Best Western, Six Senses, Radisson, Movenpick, Eastin Grand, Accor Hotels & Resorts... Đồng thời, tỉnh đã thu hút đầu tư, xây dựng các khu vui chơi giải trí, tham quan, các trung tâm mua sắm cao cấp quy mô lớn, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 230 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 187 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch Khánh Hòa đã góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong nhiều năm qua. Từ đó, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác và đặc biệt là hiệu quả xã hội từ hoạt động du lịch mang lại, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Khánh Hòa đã nhận thức được xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, khiến nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Chỉ có thể lấy “tăng trưởng xanh”, “du lịch xanh” làm bước đệm cho quá trình vận động, dịch chuyển này.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Đây là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Phát triển du lịch bền vững
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, lâu nay, việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa hiệu quả dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường; thiếu những định hướng, giải pháp thu hút bền vững thị trường khách quốc tế; việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho hoạt động du lịch còn chậm; công tác quản lý điểm đến du lịch chưa chặt chẽ, hiệu quả… Việc giải quyết các tồn tại nêu trên là yêu cầu bức thiết của tỉnh Khánh Hòa để hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, để phát triển du lịch biển Khánh Hòa theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch, bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và các đảo; bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường...
Ý kiến từ một số chuyên gia khác cho rằng Khánh Hòa nên “chú tâm” giải quyết các vấn đề tồn tại như: Xử lý nước thải, rác thải, đẩy mạnh việc trồng rừng ngập mặn, phục hồi lại các khu vực có rạn san hô; bảo vệ sự đa dạng hệ sinh vật biển, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa…
Ở cấp vĩ mô, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đề nghị Khánh Hòa cần đưa ra định hướng và cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng cần đặt ra; phát triển du lịch xanh cần liên kết, kết hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để hướng đến cùng phát triển bền vững…
Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, Khánh Hòa cần đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số hoạt động du lịch; trong đó áp dụng hệ thống vé điện tử "Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức" tại các điểm tham quan du lịch, khu di tích, bảo tàng, các điểm vui chơi, giải trí; áp dụng hệ thống thuyết minh đa phương tiện, khuyến khích sử dụng rộng rãi Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh…