Ẩm thực truyền thống của đất nước Việt Nam nói chung, của vùng đất Nam Bộ nói riêng chính là di sản đã được hình thành, lưu giữ trong dòng chảy văn hóa của cả dân tộc. Bảo tồn, phát huy vốn quý này, xác định văn hóa ẩm thực là một trong những sản phẩm du lịch chiến lược là hướng đi đang được nhiều địa phương triển khai với các hình thức khác nhau, góp phần “níu chân” du khách đến và ở lại lâu hơn trong mỗi chuyến du lịch.
Tạo nhiều điểm nhấn
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Ẩm thực Việt Nam có một giá trị văn hóa vượt trội, mang đậm bản sắc dân tộc và trường tồn qua nhiều thời kỳ. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc nâng cao lợi thế cạnh tranh đối với hoạt động du lịch của một quốc gia là vấn đề được nhiều người quan tâm. Do đó, các địa phương cần tìm ra điểm khác biệt, độc đáo để khai thác và phát triển phục vụ du lịch.
Thực tế hoạt động du lịch ở khu vực Nam Bộ thời gian qua cho thấy, hầu hết các địa phương đều coi ẩm thực là một trong những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược, quan trọng trong phát triển du lịch. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch ẩm thực được xem là một trong những lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch gắn với ẩm thực ở Thành phố Hồ Chí Minh chính là tổ chức định kỳ hàng năm các lễ hội, liên hoan ẩm thực như Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan món ngon các nước, Liên hoan ẩm thực đường phố. Những sự kiện du lịch gắn với văn hóa ẩm thực này đã góp phần giới thiệu, lan tỏa những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cùng hội tụ, cộng hưởng để tạo dấu ấn sâu đậm hơn cho du khách.
Tuy nhiên, với những sự kiện được tổ chức thường niên, nhất là các hoạt động liên quan đến văn hóa ẩm thực gắn với du lịch, bài toán đặt ra chính là sự không trùng lặp trong từng sự kiện, nghĩa là phải luôn tạo được nét mới mẻ, độc đáo, khác biệt. Với phương châm phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch kết hợp với ẩm thực, quảng bá những nét độc đáo, đa dạng của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, vùng đất phương Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, những người làm du lịch luôn có chủ ý chọn giới thiệu các món ăn, đồ uống đáp ứng được các tiêu chí đặc trưng vùng, miền để du khách có được cảm giác, mỗi sự kiện là một trải nghiệm thú vị về văn hóa ẩm thực.
Chị Đỗ Thu Huyền ở Khu tập thể Xí nghiệp gỗ, quận Hà Đông (Hà Nội) là du khách từng đến Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần chia sẻ, chị rất ấn tượng với những món ăn được giới thiệu khi đến đây trong mỗi chuyến du lịch, dù đến thành phố nhiều lần nhưng chị không có cảm giác "hết điều thú vị để khám phá”. Chị đã được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc trưng ở khu vực các gian hàng “Sài Gòn xưa” và cả những món ăn đặc sắc nhất từ nhiều địa phương khác, ví dụ đặc sản tung lò mò (còn gọi là lạp xưởng bò) rất độc đáo mang đậm nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào Chăm ở tỉnh An Giang ngay tại Liên hoan ẩm thực đất phương Nam năm 2019 diễn ra tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre: Là một tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, với Bến Tre, bên cạnh các tài nguyên thiên nhiên, sinh thái di tích lịch sử - văn hóa, ẩm thực cũng là một trong những sản phẩm du lịch được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch ở địa phương khai thác hiệu quả, coi đây là điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình về thăm xứ Dừa. Nhiều đặc sản ẩm thực được giới thiệu khi du khách đến Bến Tre đều có điểm chung là gắn với cây dừa, các sản phẩm từ dừa nhằm tạo sự khác biệt, nổi bật cho du lịch Bến Tre.
Liên kết và quảng bá
Đối với lĩnh vực du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống thông thường mà còn là một sản phẩm du lịch để thông qua đó du khách khám phá, tìm hiểu nét văn hóa bản địa nơi mình đặt chân đến. Do đó, xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, sáng tạo, có sự liên kết và chú trọng đổi mới hình thức quảng bá sẽ giúp du khách có được nhiều trải nghiệm thú vị hơn. Đây là cách làm đang được một số điểm du lịch ở Nam Bộ thực hiện.
Không dừng lại ở việc khai thác các đặc sản ẩm thực tại địa phương nhằm tạo sự mới mẻ, đa dạng hơn, mới đây tại thành phố Cần Thơ, các thành viên Câu lạc bộ Bếp ngon phương Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ) đã tổ chức giao lưu với một số nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp ở tỉnh Lâm Đồng, kết hợp các nguyên liệu cá tôm từ quê hương sông Hậu với rau quả từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) để sáng tạo và giới thiệu đến du khách một số món ăn mới có sự kết hợp, bổ sung nguyên liệu một cách linh hoạt, táo bạo.
Theo đầu bếp Phạm Bửu Việt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp ngon phương Nam, sự liên kết, phối hợp này là hoạt động bước đầu tạo sự đa dạng, mới mẻ cho sản phẩm du lịch ẩm thực dành cho du khách khi tìm hiểu về ẩm thực sông nước Cần Thơ hay vùng đất cao nguyên Lâm Đồng qua các món ăn như món khai vị mang tên xa-lát Artiso Đà Lạt kết hợp với tôm đất sông Hậu, bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ chính các thành viên trong câu lạc bộ và một số du khách.
Vào cuối tháng 3/2020 - ngay trong thời điểm hoạt động du lịch hầu như bị “tê liệt” bởi dịch COVID-19, nhân kỷ niệm 9 năm ngày món ăn mang tên bánh mì được cộng đồng quốc tế công nhận là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam thông qua việc cụm từ “Bánh mì” được đưa nguyên bản tiếng Việt vào từ điển Oxford (24/3/2011-24/3/2020) và đặc biệt, sự kiện bánh mì được đặt làm Doodle Google tại 12 quốc gia, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, các đơn vị truyền thông tổ chức chiến dịch truyền thông trực tuyến "Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”.
Cũng trong dịp này, ca khúc “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” của Nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong được giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế, tạo sự lan tỏa, quảng bá món ăn bình dị - ẩm thực đường phố có sức thu hút đối với nhiều du khách khi đến Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Tiến sỹ Nguyễn Kim Thảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nhanh nhạy và kịp thời trong quảng bá, kết nối với du khách ngay cả trong thời điểm hoạt động du lịch đang tạm “ngủ đông” là cách quảng bá sản phẩm du lịch khá sáng tạo, giúp lan tỏa và “ neo giữ” hình ảnh điểm đến với du khách được bền lâu đồng thời cũng thêm cơ hội gia tăng lượng khách cho điểm đến sau khi hoạt động du lịch được phục hồi.
Bài cuối: Tiếp tục những giải pháp căn cơ