Phối hợp để phát triển nhân lực
Điểm mấu chốt của loại hình du lịch nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhiều chuyên gia ngành du lịch chỉ rõ là phải phát triển năng lực của đội ngũ làm du lịch tại chỗ của khu vực này. Thế nhưng, hiện nay, các trường đào tạo nhân lực ngành Du lịch nói chung chỉ đào tạo chung chung, chưa sâu sát với thực tiễn của loại hình. Do đó, phát triển nguồn nhân lực phục vụ loại hình du lịch này phải được thực hiện từng bước một, cải thiện dần nhằm tạo nền tảng nhân lực vững chắc cho ngành.
Để tạo điều kiện cho ngành Du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng phát triển, Luật Du lịch 2017 có những điểm mới, đó là, ngành Du lịch phải lấy khách du lịch làm trung tâm của sự phát triển ngành. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh du lịch được tự do phát triển, đổi mới các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong khuôn khổ cho phép của luật pháp Việt Nam. Cụ thể, Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng… có tác động tích cực tới môi trường.
Theo ông Lâm Thanh Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực đóng vai trò chủ chốt trong mọi chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp muốn có thêm nhiều sản phẩm mới, phát triển đồng bộ để "níu chân" du khách, tạo điều kiện cho du khách tiêu tiền khi đến đây, các trường đào tạo nhân lực du lịch phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm du lịch nông nghiệp để có một chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn. Mỗi đơn vị có một thế mạnh riêng, khi tích hợp những thế mạnh này, nguồn nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp mới dần được cải thiện so với hiện nay.
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, song song với sự phối hợp của các đơn vị trong nước, nhiều địa phương đã có chương trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cao để phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái. Trong đó, tỉnh An Giang đi đầu trong liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch nông nghiệp, sinh thái. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của các hộ nông dân đầu tư thêm du lịch nông nghiệp tăng lên.
Theo ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, từ năm 2007, Tổ chức nông dân Hà Lan (Agriterra) đã hỗ trợ tỉnh An Giang đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp và đã đạt được kết quả. Đến nay, 600 nông dân đã được đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch nông nghiệp, gần 100 hộ nông dân được đầu tư cơ sở vật chất, thu nhập tăng lên từ 5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng.
Theo nhận định của các chuyên gia, vai trò của lãnh đạo địa phương là đòn bẩy trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp. Khi có nguồn nhân lực tốt, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, khả năng thực hiện các đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” mới được triển khai hiệu quả.
“Dựa trên các đề án này, sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội bộc lộ những điểm khác biệt trong nhiều nét tương đồng. Các địa phương có thêm cơ hội hợp tác chặt chẽ để đầu tư sản phẩm du lịch đặc trưng khai thác sự khác biệt của các sản phẩm, tạo sự hấp dẫn cho điểm đến”, ông Lâm Thanh Bình nói.
Cải thiện hạ tầng
Đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch nông nghiệp cải thiện là xuất phát điểm để du lịch nông nghiệp, sinh thái tháo gỡ vướng mắc, cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch.
Ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Sang Trọng (Luxury Travel, Hà Nội) cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp cần chính sách thông thoáng và đầu tư phát triển hạ tầng. Du lịch nông nghiệp phải được xây dựng, phát triển để nơi người dân sống thành nơi đẹp hơn, đáng sống hơn và đáng để du khách đến thăm. Như vậy, du khách mới có trải nghiệm độc đáo để nhớ và mong muốn quay trở lại. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông nghiệp phải giữ gìn và phát triển những ngành nghề truyền thống cũng như thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống.
Tại An Giang, hạ tầng phát triển du lịch đã bắt đầu được đầu tư từ giữa năm 2017. Nông dân An Giang đã đầu tư cơ sở hạ tầng, khu lưu trú dưới dạng các homestay để tạo nơi ở an toàn cho du khách. Ba xã của tỉnh An Giang là Mỹ Hòa Hưng (huyện Long Xuyên), Tân Trung (huyện Phú Tân), Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), mỗi xã có từ 10-15 hộ nông dân làm du lịch homestay, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau. Thành công của du lịch nông nghiệp tại 3 điểm đến này đã lan tỏa ra nhiều huyện khác của An Giang với hàng nghìn người làm việc trực tiếp, gián tiếp cung ứng dịch vụ cho các điểm du lịch.
Cùng với phát triển hạ tầng cho du lịch nông nghiệp, việc quảng bá điểm đến dần được chú trọng. Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch chia sẻ, các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ được đưa vào chương trình đầu tư hạ tầng cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và phát triển du lịch nông nghiệp cả nước nói chung. Thông qua việc ứng dụng công nghệ này, ngành Du lịch có thể tạo lập thông tin và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật sự hài lòng khi đến Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh, nếu làm tốt du lịch nông nghiệp sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh tại vùng đó, sẽ sản xuất ra sản phẩm an toàn hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu tốt hơn. Việc đẩy mạnh xây dựng các homestay, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền núi tăng thu nhập; quan trọng là "mang thế giới" đến tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.
Vì vậy, Tổng cục Du lịch cần khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến của loại hình du lịch nông nghiệp sinh thái cho du khách thế giới và trong nước. Theo đó, Tổng cục Du lịch hợp tác với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ để cùng xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin trên điện thoại thông minh bằng nhiều ngôn ngữ. Khi du khách tìm một điểm đến, toàn bộ thông tin liên quan sẽ tự xuất hiện trên điện thoại thông minh của họ.
Du khách có đầy đủ các thông tin về sản phẩm, dịch vụ cũng như chất lượng của du lịch nông nghiệp Việt Nam, loại hình du lịch nông nghiệp sinh thái cũng sẽ có thêm cơ hội khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững.