Du lịch nông nghiệp đang cần chính sách hỗ trợ về quy hoạch, quảng bá

Thời gian qua, một số đơn vị đã hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp nhưng mang tính tự phát, do đó rất cần có sự liên kết giữa đơn vị du lịch và những người làm nông nghiệp để tạo dựng sản phẩm đặc trưng thu hút du khách.

Đại diện một mô hình nông nghiệp đang khai thác hiệu quả qua gắn kết với du lịch giới thiệu tại hội thảo.

Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2018, chiều 30/3, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và báo Nông thôn ngày nay phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: “Giữa du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời phải có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn và có phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Thực tế tại một số địa phương đã có sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp nhưng mang tính tự phát. Do đó, hội thảo này nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, đồng thời bàn về giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hiệu quả.



Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu du khách được tham quan, trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp trải dài từ Bắc tới Nam, nhiều tour du lịch nông nghiệp đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu của du khách.


Trong khi đó, bà Ngô Kiều Oanh, trưởng nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi làm du lịch nông nghiệp gần 10 năm nay nhưng chủ yếu là mầy mò dựa trên nhu cầu đáp ứng cho chính người dân trong nội đô. Do đó, những người làm nông nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ, tạo dựng sự liên kết từ phía Tổng cục du lịch trong xây dựng tiêu chí sản phẩm, quảng bá".


Đại diện một số mô hình đang làm du lịch nông nghiệp của Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình, mô hình du lịch cộng đồng của Công ty CBT Việt Nam… đều kiến nghị sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong xây dựng hạ tầng, đào tạo nghề cho người dân trong vùng để mang lại thu nhập cho người dân khi phát triển du lịch.


Trong đó, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, có kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.


XC/Báo Tin tức
Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2018: Tập trung vào 4 thị trường quốc tế chính
Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2018: Tập trung vào 4 thị trường quốc tế chính

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Hội chợ du lịch quốc tế ITE 2018 sẽ tập trung vào 4 thị trường chính: Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN