Giao thông thủy trên suối Yến (Mỹ Đức – Hà Nội) là đường độc đạo để các phật tử, du khách đến lễ Phật và chiêm bái Chùa Hương. Vào dịp lễ hội nhộn nhịp nhất (khoảng thời gian từ tháng giêng đến hết tháng 2 âm lịch), phương tiện giao thông thủy chủ yếu là các con đò được chèo bằng tay (khoảng gần 6.000 chiếc). Chỉ có trường hợp đặc biệt mới được sử dụng thuyền máy và người lái phải rất nương nhẹ để tránh gây sóng lớn làm lật thuyền thô sơ...
Canô chạy trên suối vào ngày 23/4/2011. |
Nhưng đến tháng 3 là dịp vãn hội thì xuống máy, thậm chí canô cao tốc cũng được lưu hành. Lúc này, các tay lái thả sức tung hoành, vì lượng thuyền thô sơ đã giảm hẳn. Có đi lễ hội vào dịp này mới thấy hoảng, vì thuyền máy đủ loại, có cả loại “độ chế” ngạo nghễ trên suối. Chúng tôi mục sở thị những chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm “kẹp 3” con thuyền thô sơ lại để di chuyển, điều chưa từng gặp trên bất cứ dòng sông, con suối nào ở nước ta. Trên hành trình vào ra trên suối Yến, liên tục có những chiếc xuồng, canô gắn máy lao ào ào, tạo nên những con sóng lớn xô đẩy, làm chao đảo chiếc thuyền thô sơ của chúng tôi trên suối, có lúc tưởng chừng bị lật xuống dòng nước. Một giờ đồng hồ trên suối đối với chúng tôi dài vô tận, vì hoảng sợ... Người lái đò than phiền, mới hơn tuần trước đây thôi, một thuyền chở khách đã bị canô tạo sóng xô lật xuống nước, rất may không ai bị thiệt mạng, nhưng đồ đạc mang theo và máy ảnh coi như tặng hà bá.
Đi lễ và chiêm bái đất Phật đối với Phật tử, du khách có gì phải quá vội vã đến mức phải dùng phương tiện cơ giới thủy. Cả mùa lễ hội, Ban quản lý nghiêm cấm được xuống máy, vậy có gì “tháng cùng, hội tận” phải đưa ra hoạt động ồ ạt? Có ý kiến người dân ở đây cho biết: Vì giá thuê một xuồng, canô máy gấp nhiều lần giá đò, nên người ta sử dụng... Thiết nghĩ, lợi nhuận trước mắt có đổi được tai họa nếu xảy ra? Bao bài học nhãn tiền về thảm họa đường thủy trong năm qua đấy thôi...
Hoàng Yến