Hạ tầng chưa khớp nối, nhiều bến du lịch đường thủy bị bỏ hoang

Hơn 5 năm qua, nhiều công trình cầu tàu, bến bãi phục vụ du lịch đường thủy nội địa tại thành phố Đà Nẵng đang bị bỏ hoang, không có khách. Đó là tình trạng chung của các cầu tàu Túy Loan, Thái Lai (huyện Hòa Vang) và cầu tàu K20 (quận Ngũ Hành Sơn) - những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Chú thích ảnh
Cầu tàu tại làng du lịch cộng đồng Thái Lai được đầu tư hoàn thiện nhưng vắng khách.

Nhiều bến tàu bị bỏ hoang

Tại Làng du lịch cộng đồng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có một cầu tàu và một nhà chờ phục vụ đón khách du lịch đường thủy nội địa. Theo người dân địa phương, cụm công trình này hoàn thành từ năm 2018 nhưng không hoạt động, không có tàu chở du khách đến. Ghi nhận của phóng viên TTXVN, hạng mục nhà chờ đã hư hỏng, xuống cấp; nhiều bóng đèn bị vỡ, gạch ốp bị bong từng mảng lớn.

Ông Đỗ Hữu Minh, người dân tại Làng du lịch cộng đồng Thái Lai cho biết, Làng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư cầu tàu, bến bãi để đón khách du lịch đường thủy, khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên từ khi đưa vào sử dụng đến nay vẫn chưa có tàu thuyền chở khách đến Làng. Bà con nơi đây mong muốn, các tuyến du lịch đường thủy sớm hoạt động để thu hút du khách, phát triển kinh tế địa phương.

Tại cầu tàu Túy Loan (đối diện đình Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), công trình đã hoàn thành nhưng cũng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy trở thành nơi ứ đọng rác thải mỗi mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, cầu tàu chưa có đường lên xuống vì lối đi duy nhất vẫn đang bị chắn ngang bởi lan can bảo vệ đường bộ.

Tại Khu di tích lịch sử cách mạng K20 (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có một cầu tàu và một nhà chờ đón khách được đưa vào sử dụng từ năm 2022 nhưng vẫn chưa có khách du lịch đường thủy đến bến này. Hạng mục nhà chờ hiện đang khóa cửa; cầu tàu thì được người dân địa phương sử dụng làm nơi câu cá.

Từ năm 2017, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 3947/QĐ-UBND ban hành kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2025. UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng triển khai, hoàn thành thi công 3 cầu tàu Túy Loan, Thái Lai và cầu tàu K20. Các công trình này đã hoàn thành từ năm 2017 theo đúng kế hoạch. Sau đó, các địa phương đã đầu tư thêm hạng mục nhà chờ đón khách song đến nay vẫn chưa đón được du khách đường thủy.

Hạ tầng chưa khớp nối

Theo các doanh nghiệp vận chuyển du lịch đường thủy tại Đà Nẵng, nguyên nhân các bến bãi trên chưa đón được du khách là do các tàu du lịch không tới được bến. Trước khi đầu tư các bến thủy nội địa, địa phương cần khảo sát kỹ để đảm bảo hạ tầng đường thủy thông suốt, khớp nối.

Chú thích ảnh
Cầu tàu tại bến thủy nội địa K20 (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) vắng bóng du khách, được người dân địa phương sử dụng làm nơi câu cá. 

Ông Đặng Hòa, Phó Chủ tịch Hội Vận chuyển du lịch thành phố Đà Nẵng, chủ du thuyền Hàn Giang cho biết, các điểm du lịch đường sông tại Hòa Vang rất có tiềm năng phát triển nhưng dọc tuyến sông có nhiều cây cầu thấp, tàu không qua được. Đơn cử, trên sông Túy Loan có cầu Túy Loan cũ, cầu Giăng với độ cao tĩnh không 3,5 m. Trong khi đó, các tàu chở khách du lịch ở Đà Nẵng đều là loại lớn, trên 30 chỗ và có chiều cao từ 4,5 m trở lên. Bến thủy tại Khu di tích K20 cũng có tiềm năng nhưng tuyến đường thủy này đang chờ khớp nối hoàn thiện với bến thủy tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) thì mới hình thành được tour du lịch tâm linh, di tích lịch sử.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, sau khi được bàn giao các cầu tàu trên sông Túy Loan, huyện đã khảo sát du lịch đường thủy và hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Các tàu du lịch từ sông Hàn (trung tâm thành phố Đà Nẵng) muốn đến các cầu tàu trên sẽ bị vướng bởi đập tạm ngăn xâm nhập mặn (trên sông Cẩm Lệ), cầu Giăng (bắc qua sông Túy Loan)… Về việc một số cây cầu thấp, không đủ cho tàu thuyền du lịch đi qua, UBND huyện đã có báo cáo gửi các sở, ngành, thành phố để xin ý kiến, phương án xử lý nhưng những cây cầu này đã có từ trước nên không thể phá đi xây lại chỉ để phục vụ du lịch đường thủy. Nguyên nhân của việc này là do trước đây đơn vị khảo sát chưa kỹ, đánh giá chưa hết hiện trạng.

Theo quy định mới hiện nay, phải có quy hoạch vùng nước trước khi triển khai hoạt động du lịch đường thủy. Do đó, UBND huyện Hòa Vang đang thuê tư vấn triển khai quy hoạch. Trước mắt, để khai thác các bến tàu trên địa bàn, UBND huyện đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tàu du lịch loại nhỏ để hình thành tour du lịch đường thủy quanh địa phương. Du khách đường thủy có thể tham quan di tích đình Túy Loan, làng rau Túy Loan, làng du lịch cộng đồng Thái Lai, xem biểu diễn Bài Chòi…

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy
TP Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết dự kiến sẽ mở thêm nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy trong giai đoạn 2023 – 2025, nổi bật là tuyến tàu cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN