Trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh dự kiến mở tuyến tàu cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang) và ba tuyến tàu thủy từ bến Bạch Đằng đi Bình Dương và các huyện Củ Chi, Quận 7, Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhằm tạo đột phá cho giao thông thủy kết hợp du lịch.
Cụ thể, tuyến vận tải hành khách, du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) trên sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh, Biển Đông có chiều dài tuyến khoảng 225 km. Tuyến xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đến Bến cảng tàu khách Côn Đảo tại Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đang đóng mới 1 tàu khách 1.100 khách, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024.
Tuyến phà biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) - Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) trên sông Đồng Tranh 2, sông Soài Rạp dài khoảng 12 km, từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này sẽ phục vụ vận tải hành khách, phương tiện cơ giới lưu thông giữa 2 địa phương, kết hợp du lịch đường thủy. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư 2 phà biển có khả năng chở trên 250 hành khách, 100 xe máy và 15 xe ô tô, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Tuyến Bạch Đằng đi Quận 7, huyện Nhà Bè với chiều dài 13 km, từ bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Sản phẩm từ tuyến vận tải này là du lịch sông nước, tham quan cống ngăn triều kênh Tẻ, các điểm du lịch, trung tâm thương mại tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7) và ẩm thực (Cù Lao Xanh, Phước Kiểng, huyện Nhà Bè)...
Tuyến đi Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn dài 10 km, dọc theo bến Bạch Đằng - Thanh Đa, Bình Quới tại quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức. Trên tuyến có các bến Bạch Đằng, Thảo Điền, Tầm Vu, Bình Quới đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan đang hoạt động khai thác. Tuyến này kết hợp du lịch sông nước, tham quan các điểm du lịch và ẩm thực như khu đi bộ chợ Thảo Điền; khu du lịch Bình Quới I, Bình Quới II.
Trong khi đó, tuyến Sài Gòn đi tỉnh Bình Dương, huyện Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) trên sông Sài Gòn dài khoảng 79 km, xuất phát từ bến Bạch Đằng đi thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Bến Đình, Bến Dược (huyện Củ Chi), sẽ kết hợp du lịch sông nước, tham quan các điểm, địa danh du lịch, chùa, đình và ẩm thực địa phương.
TP Hồ Chí Minh có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố, rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách kết hợp khách du lịch bằng đường thủy. Lợi thế của 4 tuyến sông chính Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp cùng với hệ thống sông, kênh rạch tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều loại hình như: Buýt đường thủy; vận tải hành khách từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đi Bến Đình, Bến Dược (huyện Củ Chi), thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương); vận tải hành khách từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đi Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Cùng với đó, thành phố hiện có hoạt động bằng du thuyền, tàu nhà hàng phục vụ du lịch, ẩm thực giải trí về đêm trên sông Sài Gòn; hoạt động bằng thuyền gỗ nhỏ, kèm hướng dẫn tham quan du lịch nội đô trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; các tuyến vận tải khách du lịch bằng tàu cao tốc đến các địa điểm khu du lịch, khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với mở các tuyến du lịch đường thủy, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai dự án chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, trở thành một trong những bến hành khách du lịch tại trung tâm của thành phố.